Nhận lỗi và sửa sai

12/01/2013 03:15 GMT+7

Trong báo cáo tổng kết năm 2012, Bộ GTVT tự nhìn nhận, công tác quản lý chất lượng chưa đáp ứng được đúng mục tiêu là “năm chất lượng công trình giao thông 2012”, khi nhiều dự án vẫn có những khiếm khuyết về chất lượng, gây bức xúc cho dư luận.

Điển hình có thể kể tới nhiều dự án lớn nhưng chất lượng kém như mở rộng QL51, gói thầu số 1.1 và 1.2 dự án đường nối thị xã Vị Thanh với TP.Cần Thơ… Đặc biệt, công trình có vốn đầu tư hơn 9.000 tỉ đồng là cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình vừa thông xe vài tháng đã xuất hiện hư hỏng tại các vị trí mặt đường quá độ đang theo dõi lún.

Lãnh đạo Bộ GTVT rất khách quan khi đánh giá, yếu kém về chất lượng công trình vẫn do những lỗi tồn đọng lâu nay của ngành, từ hạn chế về năng lực của một số chủ đầu tư, tư vấn giám sát, nhà thầu đến tâm lý ỷ lại “khi gặp vấn đề khó khăn thì đùn đẩy trách nhiệm cho Bộ, cho các cơ quan quản lý nhà nước giải quyết”. Bộ cũng điểm mặt chỉ tên những dự án có vấn đề về năng lực chủ đầu tư, nhà thầu hay tư vấn như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên.

Thái độ nhận khuyết điểm rõ ràng này là điểm tích cực trong phong cách của lãnh đạo Bộ GTVT hiện nay. Tuy nhiên, người dân trông chờ ở Bộ trưởng cũng như Bộ GTVT nhiều hơn thế: không chỉ là nhận ra khiếm khuyết và hay lặp lại những nguyên nhân đã cũ, mà còn phải đưa ra được phương pháp, cách thức để khắc phục các khuyết điểm chất lượng đường sá hiệu quả nhất.

Không phải ngẫu nhiên mà đại bộ phận dư luận vẫn phản ứng với việc thu phí bảo trì đường bộ. Ngoài lý do đã phải “cõng” quá nhiều loại thuế, phí khi lưu thông, người dân cũng không muốn phải bỏ thêm tiền khi vẫn đang phải đi trên hạ tầng đường sá quá kém chất lượng. Hiện tại, theo lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, chỉ riêng thu phí bảo trì với ô tô, bình quân mỗi ngày đã thu được tới 14 - 15 tỉ đồng. Tính cả năm, số thu dự kiến với ô tô khoảng 4.000 tỉ đồng. Đây là con số không hề nhỏ.

Tuy nhiên, có hai vấn đề đặt ra: số tiền này liệu có thấm tháp gì khi chất lượng hàng loạt con đường quốc lộ, tỉnh lộ đầu tư hàng nghìn tỉ đồng vừa khánh thành đã nhanh chóng xuống cấp, tạm bợ. Thứ hai, liệu phí bảo trì có đúng chỗ và hiệu quả khi công tác bảo trì đường bộ đang rất có “vấn đề”, nếu nhìn lại những vụ việc như mặt cầu Thăng Long qua bao lần vá vẫn xuống cấp. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, nếu chất lượng xây dựng đường không được cải thiện thì đường rất nhanh xuống cấp, và khi ấy duy tu bảo dưỡng rất lãng phí, tốn kém. Chưa kể quá trình duy tu bảo dưỡng, nếu không có cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ, thì dù bỏ tiền thêm vào nhưng chất lượng đường cũng không thể nâng lên.

Để nâng cao chất lượng công trình, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã cam kết, tới tháng 3.2013 Bộ GTVT sẽ công khai tiêu chí xếp loại ban quản lý, chủ đầu tư, nhà thầu; cũng như rà soát các dự án từ chủ trương đầu tư đến thiết kế… Tới giờ, dư luận vẫn còn rất ấn tượng với những lần “trảm tướng” của Bộ trưởng Thăng, sẵn sàng thay chủ đầu tư, nhà thầu nếu không đủ năng lực. Tuy nhiên, nếu việc “trảm tướng” chỉ mang tính tình thế với từng dự án cụ thể, thì điều mà ngành giao thông cần hơn là thái độ quyết liệt, là sự thay đổi “đi vào quản lý về chất” như Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ ra.

Mai Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.