Nhìn đề thi thấy sự thay đổi

06/07/2014 03:00 GMT+7

Cuối cùng, có lẽ phần ngạc nhiên nhất đối với hầu hết thí sinh dự thi đợt 1 kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ vừa qua chủ yếu ở đề thi. Qua những thay đổi, điều chỉnh trong đề thi, có thể thấy được nhiều điều từ việc thông tin cho thí sinh, đổi mới cách thi cử - đánh giá đến dự báo những đổi thay lớn ở các kỳ thi...

Cuối cùng, có lẽ phần ngạc nhiên nhất đối với hầu hết thí sinh dự thi đợt 1 kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ vừa qua chủ yếu ở đề thi. Qua những thay đổi, điều chỉnh trong đề thi, có thể thấy được nhiều điều từ việc thông tin cho thí sinh, đổi mới cách thi cử - đánh giá đến dự báo những đổi thay lớn ở các kỳ thi...

Sự thay đổi trong đề thi tốt nghiệp THPT khiến nhiều người dự đoán cũng sẽ diễn ra ở kỳ thi tuyển sinh ĐH. Tuy nhiên, trước kỳ tuyển sinh, các báo đã nhiều lần đặt câu hỏi với lãnh đạo Bộ GD-ĐT về những thay đổi trong đề thi nhưng lúc nào cũng nhận được những câu trả lời hết sức chung chung như những kinh nghiệm đã làm tốt từ khi thi tốt nghiệp THPT sẽ được áp dụng vào kỳ thi ĐH, CĐ.

Đề thi ĐH ở đợt 1 không có phần bắt buộc và tự chọn. Điều này tuy không ảnh hưởng đến kết quả làm bài của TS nhưng cũng gây bất ngờ và có phần lúng túng cho TS ngay những giây phút đầu tiên tiếp cận đề thi. Nhiều giám thị cho biết TS trong thời gian thi thường rất mất bình tĩnh nên bất cứ những gì khác lạ cũng dễ làm TS hoảng loạn. Vì thế, những thay đổi về cấu trúc đề thi, lẽ ra nên thông báo sớm và rõ ràng đến TS.

Sự không rõ ràng trong việc thay đổi cấu trúc đề thi khiến TS và cả giáo viên lúng túng đã diễn ra trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua đối với đề thi môn ngoại ngữ. Có giáo viên ngay sau khi nhìn thấy đề thi tiếng Anh kỳ thi tốt nghiệp, không nén được cảm xúc đã nói thẳng rằng “Bộ nên có kế hoạch càng sớm càng tốt để tránh sự hoang mang cho học sinh”. Bởi nay thì Bộ công bố trên báo chí có thi viết luận, mai lại nói thi tự luận. “Học sinh thật sự đã ở trong tâm trạng lo lắng”, giáo viên này viết.

Trả lời báo chí vì sao không thông báo trước cho TS về sự thay đổi này, lãnh đạo Bộ cho rằng đúng là điều này không thông báo trước, vì tùy theo ban đề thi thấy kiến thức nằm ở đâu sẽ ra đề như vậy. Quy chế cũng không buộc phải ra phần tự chọn hay không. Khi được hỏi vậy đề thi đợt 2 như thế nào thì lại trả lời “Cái đó tôi không nói được, vì do ban đề thi quyết định”.

Những thông tin thế này, thiết nghĩ đâu cớ gì không công khai cho TS?

Khuynh hướng và nội dung đề thi năm nay được giới chuyên môn đánh giá cao.

Việc bỏ phần tự chọn và bắt buộc trong đề thi chứng tỏ những người ra đề đã nhận thấy sự dư thừa, rườm rà của đề thi những năm trước. Điều này có nhiều mặt tích cực như TS không cảm thấy phân vân khi lựa chọn 2 phần thi, đề thi có tính khách quan hơn, giảm tải kiến thức, phù hợp với đa số TS...

Phần lớn các giáo viên đều khẳng định càng ngày đề thi càng có tính phân hóa cao, phù hợp với một kỳ thi tuyển. Ngoài những câu hỏi bình thường, nằm trong chương trình - sách giáo khoa mà nếu chịu khó học tập và rèn luyện, các TS từ trung bình trở lên đều làm được còn có những câu thật sự khó dành cho TS thuộc loại xuất sắc.

Không chỉ các môn xã hội mà ngay cả đối với môn khoa học tự nhiên, người ra đề rất chú trọng đến tính vận dụng thực tiễn. Cả 2 đề thi lý, hóa trong đợt 1 đều có nhiều câu buộc TS phải vận dụng những quan sát, ghi nhận từ thực tế mới làm bài được.

Đề thi, như tuyên bố của lãnh đạo Bộ, đã dần thoát khỏi việc kiểm tra kiến thức thuộc lòng, tăng cường kiểm tra năng lực, khả năng ứng dụng các kiến thức phổ thông vào thực tiễn. Những ưu điểm ấy, rõ ràng phải thừa nhận.

Cả TS và giáo viên đều cho rằng 3 đề thi của đợt 1 có nhiều câu rất dễ nhưng cũng có những câu quá khó. Nếu nhìn vào lộ trình sau năm 2015 sẽ tiến tới một kỳ thi chung thì sẽ thấy rằng cấu trúc đề thi năm nay là bước chuẩn bị kết hợp 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH làm một. Trong đó phần dễ để xét tốt nghiệp, câu hỏi khó dành xét tuyển vào ĐH.

Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ chỉ mới kết thúc đợt 1, phía trước còn đến 2 đợt thi. Với nhiều môn thi xã hội ở những ngày thi sắp tới, TS, phụ huynh và giáo viên hy vọng sẽ còn nhìn thấy những thay đổi tích cực ở đề thi. Sự thay đổi này sẽ làm tiền đề dẫn đến việc từ bỏ những tư duy, quan niệm cũ kỹ trong việc dạy - học - đánh giá trước đây.

Nhiên An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.