Nhờ dân giám sát làm sạch bộ máy

02/12/2018 06:00 GMT+7

Bộ máy chỉ có thể mạnh lên, hiệu lực, hiệu quả khi được vận hành công khai, minh bạch và chịu sự giám sát của dân chúng, thông qua nhiều kênh.

Việc Công an tỉnh Thanh Hóa cho đình chỉ ngay Trưởng công an TP.Thanh Hóa, để phục vụ việc thanh tra của Bộ Công an xác minh tố cáo tiêu cực liên quan đến ông này cho thấy một thái độ rất tích cực, phản ứng nhanh của cơ quan này trước một sự việc không lấy gì làm đẹp đẽ.
Ở một tầm mức lớn hơn, cũng hôm qua, Bộ Công an đã chủ động công bố đường dây nóng tiếp nhận tin phản ánh thông tin về những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng của cán bộ chiến sĩ công an. Động thái này được cho là rất tích cực, được dư luận đặc biệt hoan nghênh, trong bối cảnh hàng loạt vụ án tiêu cực, có màu sắc bảo kê, tham nhũng liên quan đến cán bộ công an bị phanh phui và đang xét xử.
TAND tỉnh Phú Thọ trong bản luận tội cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, cũng chỉ ra rằng: Bị cáo Vĩnh đáng lẽ phải kiên quyết đấu tranh với tội phạm thì lại tiếp tay cho tội phạm, “nên hành vi của bị cáo Vĩnh đáng bị lên án hơn các bị cáo khác”.
Người bảo vệ pháp luật mà lấy tiền bạc làm lý tưởng phấn đấu thay vì công lý, cộng với cơ chế giám sát lỏng lẻo thì nguy cơ hẳn sẽ còn sinh ra thêm nhiều Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa, Vũ “nhôm”, Út “trọc”...
Hiện chưa rõ đường dây nóng tiếp nhận phản ánh tiêu cực trong ngành của Bộ Công an sẽ vận hành như thế nào. Nhưng sau cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức, bộ máy tinh gọn, hiệu lực hiệu quả, việc chủ động tổ chức kênh tiếp nhận thông tin tiêu cực trong ngành cho thấy quyết tâm của Bộ Công an làm sạch những “vết chàm” hoen ố, lấy lại lòng tin yêu của nhân dân.
Hiện luật Khiếu nại, tố cáo vẫn chưa chấp nhận hình thức tố cáo qua email, điện thoại, thư tín; Nhưng rất nhiều cơ quan và vừa mới đây là Bộ Công an đã công bố số điện thoại tiếp nhận, như vậy là một bước tiến rất quan trọng trong việc sử dụng các kênh để giám sát bộ máy.
Tuy nhiên, thời kỳ 4.0, chúng ta cũng không nên chỉ “đóng đinh” với các hình thức tố cáo truyền thống. Bộ Công an cũng nên mở ra với việc tiếp nhận dấu hiệu tiêu cực từ các kênh khác nữa. Ví dụ, một người dân quay được, ghi âm được về hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực của chiến sĩ công an, đưa lên mạng xã hội thì có được xem là tố cáo không? Khi nó được đưa công khai, minh bạch, có địa chỉ, có danh tính rõ ràng thì hẳn nhiên cũng nên coi đó là một kênh thông tin tố cáo tiêu cực, tham nhũng và phải được tiếp nhận và xử lý.
Bộ máy chỉ có thể mạnh lên, hiệu lực, hiệu quả khi được vận hành công khai, minh bạch và chịu sự giám sát của dân chúng, thông qua nhiều kênh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.