Như thể 'đánh yêu'

14/07/2018 07:00 GMT+7

Công bố gây “sốc” cuối năm 2017 về năng suất lao động VN buộc người Việt phải đối mặt với rất nhiều câu hỏi về bản thân, về đất nước.

Hơi nóng cạnh tranh phát triển từ các nước trong khu vực đã phả vào gáy VN trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu sắc. Bộ máy nhà nước đặt vào mệnh lệnh cấp bách là phải gương mẫu tái cấu trúc và cải cách nghiêm khắc để nâng cao hiệu quả làm việc và chất lượng phục vụ, tạo tiền đề thúc đẩy sự tiến bộ chung. Nói thẳng, chất lượng phục vụ của chính quyền là một thành phần không thể thiếu trong các chuỗi giá trị về năng suất của doanh nghiệp, của xã hội.
Tái cấu trúc, sắp xếp tinh gọn bộ máy, cải cách thủ tục hành chính, tinh giảm biên chế, tăng cường tự chủ tài chính, phát triển dịch vụ chính phủ. Đã là mệnh lệnh. Đã là cấp bách. Đã là “quyết liệt thực hiện” như Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 19.5.2018 của Hội nghị T.Ư 7 xác định.
Vậy mà giờ vẫn thấy những chuyện như 15 cán bộ, đảng viên ở TX.Giá Rai (Bạc Liêu) bỏ công việc cơ quan để đi nhậu ngay trong giờ làm việc.
Vậy mà giờ vẫn thấy những chuyện như ở xã Ia Pếch (H.Ia Grai - Gia Lai), công chức xã ngủ trưa quá giờ, bị đánh thức dậy để làm việc thì còn quát tháo công dân.
Nhưng đáng ngạc nhiên hơn là cách xử lý với những trường hợp như thế. Là không xét thi đua năm 2018, là đề nghị xử lý khiển trách. Xử lý gì mà như thể “đánh yêu”.
Thử so sánh một chút, với cách mà doanh nghiệp quyết tâm tìm kiếm sự thay đổi, sự phát triển. Trường hợp của Viettel Post Nam Định chẳng hạn. Từ một đoạn clip ngắn trên mạng xã hội Facebook ghi lại hình ảnh một nhân viên Viettel Post Nam Định được cho là có hành vi ném bưu phẩm của khách hàng một cách thô bạo lên xe vận chuyển khiến món đồ này bị hư hại, Bưu cục Viettel đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp để làm rõ sự việc. Kết quả: nhân viên sai phạm bị đình chỉ công tác, Viettel Post Nam Định phải đóng cửa.
Chuyện đúng sai hay dở về quyết định xử lý của Viettel trong trường hợp này có thể còn có nhiều điểm để tranh luận, nhưng chí ít cũng cho thấy quyết tâm rõ ràng của doanh nghiệp trong việc tôn trọng và giữ gìn các giá trị được xem là tôn chỉ mục đích của đơn vị mình. Để mà, khách hàng và xã hội có thể tin tưởng vào một sự tiến bộ, một sự phát triển có thật, chứ không phải khẩu hiệu suông.
Các cơ quan nhà nước đã có bao nhiêu năm rồi chọn cách xử lý vi phạm kỷ luật làm việc của công chức theo kiểu “đề nghị khiển trách”, “không xét thi đua”?
Cứ “đánh yêu” như thế mãi thì biết khi nào mà công chức trưởng thành và ý thức đầy đủ về trách nhiệm, về bổn phận của mình với nhân dân, với đất nước?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.