Nỗi lo từ một bản tin

30/06/2016 07:46 GMT+7

Một bản tin ngắn với nội dung: “2 giờ sáng 27.6, nhóm bạn đi chơi về khuya ở P.Hương Long, TP.Huế. Một bạn đi vệ sinh ngay chân cột điện, còn bạn kia đứng canh.

Lúc đó trời đang mưa. Cả 2 bị điện giật phải cấp cứu và một người tử vong”.
Bên cạnh việc tiếc thương bạn gái trẻ (người đứng canh cho bạn) chết lãng nhách thì ai đọc tin cũng giật mình bởi những tai nạn điện rình rập, đặc biệt là vào mùa mưa. Tháng 5, bé trai 10 tuổi chết vì điện giật trong khu vui chơi ở Cần Thơ. Tháng 6, một bé trai khác chết trước cửa hàng ở Quảng Nam, cũng bị điện giật.
Cách đây vài năm, 2 nam sinh lớp 7 và 8 cũng từng bị điện giật chết trên đường đi học ở quận Bình Tân và Thủ Đức, TP.HCM…
Đây không phải là những tai nạn điện đầu tiên hay cuối cùng. Rõ ràng là an toàn về điện đang có nhiều lỗ hổng. Rò rỉ điện thường xuyên và “thập diện mai phục”; đe dọa mạng sống người dân; không chừa ai; mọi nơi, mọi lúc.
Mùa mưa bão, bên cạnh nỗi lo điện giật còn nhiều nỗi ám ảnh khác. Thành phố thì lo cây đổ. Vùng ven sợ đường ngập sụp hố ga, hố công trình không rào chắn. Ngoại thành và nông thôn, miền núi sợ lũ cuốn…
Thần chết cứ lởn vởn, rình rập khắp nơi. Không thể đổ cho số phận và may rủi. Những tai nạn thương tâm đều do chủ quan con người gây ra. Đó là sự tắc trách, làm ăn gian dối, xem thường sinh mạng người dân của các cấp quản lý. Đó là sự tùy tiện, chưa tuân thủ các quy tắc an toàn tối thiểu của một số người dân.
Tai nạn cứ lặp đi lặp lại, bởi chưa có địa chỉ trách nhiệm cụ thể, xử lý chưa tới nơi, tới chốn. Điện giật và cây đổ nơi công cộng không chỉ là trách nhiệm chung chung của công ty điện lực hay cây xanh. Mà phải truy cho ra trách nhiệm cá nhân của người thi công hoặc bảo quản. Từng trụ điện cho đến mỗi cây xanh đều có lý lịch thi công và quản lý. Khi gặp sự cố là truy ngay ra trách nhiệm cá nhân, của lãnh đạo và cấp quản lý. Không thể cứ mãi kêu gọi sự tự giác trong điều kiện nhiễu nhương của xã hội. Thuốc điều trị phải đúng liều và đủ mạnh và quan trọng là đúng người bệnh uống thì mới mong hết bệnh.
Về phía người dân, phải hết sức thận trọng khi ra khỏi nhà trong lúc mưa gió. Nên tránh xa cây xanh, cột điện; nhất là những cột điện trung cao thế và những tủ điện có bảng cảnh báo. Cơ quan có trách nhiệm cần khẩn trương tổng rà soát kiểm tra toàn bộ hệ thống điện, từ trong nhà ra ngoài đường, cho đến nơi công cộng. Đặc biệt là việc dọn dẹp “những mạng nhện tử thần” đang lòng thòng và rơi vãi trên nhiều hè phố ở TP.HCM.
Người dân cần tham gia góp sức với quản lý nhà nước khi phát hiện những chỉ dấu bất thường. Bởi trên thực tế thông qua đường dây nóng của các cơ quan truyền thông, việc phản ánh của người dân thời gian gần đây được cơ quan có trách nhiệm xử lý khá tốt. Không chỉ cây xanh, cột điện mà còn nhiều việc khác. Bởi khó có việc gì lọt qua tai mắt nhân dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.