Phá rừng đội lốt phát triển

16/10/2017 07:26 GMT+7

Những thảm họa từ việc phá rừng đã xảy ra rất nhiều và được cảnh báo từ rất lâu, nhưng ở nhiều tỉnh thành, tình trạng phá rừng vẫn đang gia tăng.

Theo thống kê, chỉ từ tháng 1 - 9.2017, đã có tới gần 1.700 vụ phá rừng. Đặc biệt đáng lo ngạihơn cả là việc phá rừng được tiếp tay từ chính lãnh đạo chính quyền địa phương - cơ quan có trách nhiệm bảo vệ rừng, thông qua việc cấp phép cho các dự án được bọc trong cái vỏ phát triển kinh tế. Tại sao nói “đặc biệt lo ngại”? Bởi việc phá rừng đội lốt phát triển dẫn đến hệ quả lớn nhất và khó ngăn chặn nhất.
Đầu tiên, các dự án du lịch, thủy điện, nghĩa trang sinh thái... thường cần diện tích rất lớn mà chỉ có rừng và đất nông nghiệp mới đáp ứng nổi. Quan trọng hơn, giá đền bù, giải tỏa đất rừng hầu hết rất rẻ, nên chủ đầu tư nào cũng muốn đầu tư. Vì thế, họ tìm đủ mọi cách “đi đêm” với chính quyền địa phương để được phê duyệt dự án. Điều này thể hiện rất rõ khi lãnh đạo nhiều tỉnh, thành bất chấp phản ứng từ dư luận, khiếu kiện của người dân; bất chấp chủ trương phát triển bền vững, bảo vệ và đóng cửa rừng của Chính phủ để cấp phép cho phá rừng, trong đó có không ít rừng phòng hộ, rừng đặc chủng.
Thứ hai, phá rừng làm dự án thường được triển khai rất nhanh. Có lẽ mục đích chính là nhằm đẩy mọi việc vào thế “đã rồi” khi bị phát hiện. Sau đó tìm cách hợp pháp hóa. Bất quá thì dừng lại một thời gian, đợi dư luận “quên” đi, người dân mệt mỏi vì khiếu kiện thì lại tiếp tục. Hậu quả là rừng bị mất đi ngày càng nhiều.
Cuối cùng, không quá lời khi nói có một cuộc chạy đua phá rừng núp bóng phát triển kinh tế. Thực tế thời gian qua có rất nhiều tỉnh, thành không có lợi thế về nghỉ dưỡng, không có biển, sông vẫn thu hồi đất nông nghiệp để cấp phép dự án resort rộng mênh mông, chuyển đổi rừng phòng hộ thành rừng sản xuất để làm nghĩa trang như một cách “xí phần”… Phá rừng được tiếp tay từ chính những người bảo vệ rừng việc ngăn chặn đã khó, lại núp bóng phát triển kinh tế lại càng khó hơn.
Nhưng không có sự phát triển nào có thể đánh đổi được với sinh mạng con người. Không nói đâu xa, trận bão lũ kinh hoàng khiến hàng trăm người chết, mất tích ở các tỉnh phía bắc hiện nay, một trong những nguyên nhân là hệ quả từ việc phá rừng. Nếu trước kia người dân có thể “nghe” thấy lũ đến để kịp chạy, thì nay rất nhiều trường hợp chỉ biết lũ đến khi đã bị nhấn chìm. Rừng giữ đất, giữ nước đã và vẫn đang bị tàn phá ở khắp nơi nên những thiệt hại về tính mạng, về kinh tế ngày càng nặng nề.
Thủ tướng đã chính thức chỉ đạo tạm dừng chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên nghèo sang trồng cây công nghiệp, cây nông nghiệp, thủy điện nhỏ, kể cả những dự án đã được phê duyệt nhưng chưa thực hiện. Đã đến lúc phải có chế tài thật mạnh để chấm dứt những sự nhân danh phát triển kinh tế để phá rừng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.