Quê tôi ăn Tết

15/02/2007 18:21 GMT+7

Quê tôi, vùng đất ngày xưa được gọi là “tiểu Đồng Nai”, thực ra là vùng đất nghèo. Ngày xưa, có ruộng cấy lúa nước, lại là ruộng nhất hay nhì đẳng điền, đã mặc nhiên được coi là “trù phú”. Trải bao cơn biến động, “vũng lên đồng”, bao phen bị cả lịch sử và thiên nhiên “trù dập”, quê tôi, từ “tiểu Đồng Nai” đã hóa thành “đại đài nông” - nghĩa là chỉ còn biết làm nông, không còn nghề phụ hay có khả năng “chuyển đổi ngành nghề” gì khác.

Làm ruộng bây giờ thì ai cũng biết, chỉ đủ ăn là mừng lắm rồi, mong gì tiến lên thành những hộ giàu,nhà giàu, thôn hay xã giàu. Thôi thì cũng từ từ, đừng vội một lúc “công nghiệp hoá” quê tôi, để người dân ở đây dù nghèo vẫn còn một cái Tết bình an và đong đưa theo phong tục cũ. Tết quê tôi không có gì quá khác biệt với Tết của nhiều vùng quê khác trong nước, nhưng cũng không hẳn giống với vùng nào. Quê tôi, vốn xưa là nơi người Chăm cư ngụ, trải nhiều biến động lịch sử, người Chăm và người Việt vốn bị phân thành hai chiến tuyến đối địch, đột nhiên khi gặp nhau lại hoá thành anh em “uống chung dòng nước Trà giang xanh”.

Họ phát hiện ở nhau những nét tương đồng, và cuộc hoà huyết đầy cảm xúc, nhiều hứng khởi và cũng không ít chua cay đã kết nối người Việt và người Chăm ở quê tôi thành anh em, thành ruột rà, hoá vợ chồng, thông làng nước. Từ ngày đó, cũng cách đây 5 hay 6 thế kỷ rồi, quê tôi đã thành nơi sinh sống của mấy dân tộc,nơi hợp lưu và hoà huyết của những cựu thù. Mỗi dân tộc khi “góp gạo ăn chung” vào văn hoá vào phong tục, vào nết ăn nết ở quê tôi, đã biến vùng quê lẽ ra đơn sắc này thành một vùng đất đa văn hoá, chấp nhận nhiều phong tục, kết nối nhiều tộc người, và tôn vinh nhiều dòng họ.

Tết, thì dân tộc nào trong số 4 dân tộc được “đăng ký hộ khẩu” ở quê tôi đều có, và có thể theo những thời điểm khác nhau trong mùa Xuân, nhưng có lẽ Tết của người “Kinh” là phổ thông nhất, vì nó trùng với Tết của dân tộc Việt Nam ta. Tết ấy, giờ đây đã trở thành Tết chung ở quê tôi cho cả 4 dân tộc: người Kinh, người H’re, người Cor và người Ca-Dong. Cũng xin nói, trong huyết quản “người Kinh” quê tôi đã có ít nhất 50% dòng máu người Chăm cổ. Và cũng ít nhất 50% món ăn truyền thống ở quê tôi, nhất là những món ăn trong ngày Tết, có “lý lịch” từ những món ăn truyền thống của người Chăm.

Như các món gỏi, các món thịt hay cá để chua, các món ram được gói bằng bánh tráng ( bánh đa), và các món có ăn kèm với “nước lèo”. Một vùng đất nghèo nhưng phong phú sản vật, dù là sản vật nghèo, luôn là cơ sở để cho “ra lò” nhiều món ăn mà với người địa phương thì hợp khẩu vị còn với du khách thì lạ miệng khiến ai cũng cảm thấy hài lòng và đều có thể tìm trong đó những lý do cho sự ưa thích riêng mình. Như món don. Đây không phải món trong cỗ bàn Tết, nhưng với người quê tôi, lại là món ăn tuyệt vời để hoá giải những ngán ngẩm của thức ăn nhiều thịt mỡ trong Tết.

Khoảng mùng 5 hay mùng 6 Tết, khi bắt đầu du Xuân, người quê tôi rất thích được ăn vài tô don, ngày xưa thì từ các gánh don lưu động do các cô hàng don gánh bán: “Nghèo nghèo nợ nợ cũng kiếm cho được con vợ bán don-Mai sau nó chết cũng còn cặp ui”. Ấy người quê tôi hay có thói “hài hước đen” như thế, nhưng tịnh không một chút ác ý, chẳng qua là để tôn vinh món don truyền thống, xin nói ngay là món “truyền thống” của người Chăm.

“Cặp ui” theo nghĩa đen là một đôi vò bằng đất nung dùng để đựng nước don nóng. Còn theo nghĩa bóng của câu ca dao này thì… Xin mách nhỏ với bạn, món don tuy rẻ tiền và rất dễ ăn nhưng lại là một món vừa bổ dương vừa bổ âm, có tác dụng không thua kém viagra nhưng lại đắc dụng cho cả chàng lẫn nàng. Các cô hàng don tuy quê kiểng nhưng sức “bùng nổ” không thua gì các cô gái quê trong tiểu thuyết “Ba người khác” của Tô Hoài. Thế mới kinh, thế mới quí!

Một lần có dịp về Quảng Ngãi, nhạc sĩ nổi tiếng Nguyễn Thiên Đạo đã ăn một lúc… 3 bát don, vừa ăn vừa hít hà vì… ớt cay, và cũng vì… sướng. Chẳng biết sau khi ăn don và ngắm nhìn cô bán don, nhạc sĩ có phấn hứng cho ra một symphonie-don hay ouverture-don nào không? Con don, cư ngụ dưới đáy sông Trà, là một loại ốc hến nhỏ. Nhỏ nhưng đặc biệt ở chất ngọt đậm đà sau khi được đãi vỏ và nấu lên. Nước don ăn với bánh tráng ( bánh đa) bẻ vụn, cũng là món bánh của người Chăm cổ mà sau này Hoàng đế Quang Trung đã cho làm lương khô để đoàn quân Bắc tiến của mình no lòng khi hành quân xuyên rừng vượt truông tiến ra Bắc đại phá quân Thanh.

Đừng coi thường những cái nho nhỏ như con don, vì có khi ta lên tới tột đỉnh vinh quang cũng từ những cái những con nho nhỏ mà sương sướng ấy. Nói nhiều về don chẳng hoá ra ngày Tết quê tôi chỉ có món ăn đó. Cũng còn khối món là lạ khác. Như bánh nổ. Tôi bảo đảm, ngoài Bắc không có món bánh này. Trong Nam Bộ cũng không có. Chỉ quê tôi là có. Bánh nổ, thì cũng chỉ làm từ nếp rang, nhưng không phải bánh cốm Bắc, cũng chẳng phải bánh phồng bánh dẹp Nam Bộ.

Hay như món bánh mè. Ngoài Bắc có kẹo vừng. Bánh mè cũng làm từ vừng (mè), nhưng không phải kẹo vừng. Nó là sự kết hợp giòn giã giữa bột nếp chiên dòn và vừng(mè) thơm thảo. Cứ như cả cánh đồng nếp đang mùa gặt ùa hương thơm vào ta khi thưởng thức món bánh mè này. Nghe hát Tuồng, coi hát múa bả trạo đầu năm mà trong túi có mấy cái bánh mè, vừa thưởng thức nghệ thuật vừa nhai lai rai thì…đã lắm! Văn hoá bao giờ cũng thoả mãn ta cùng lúc ở nhiều giác quan. Coi hát hay nghe hát vào dịp Tết đã văn hoá, ăn Tết đã văn hoá, mà chơi Tết lại càng văn hoá.

Người quê tôi ít khi được chơi. Quanh năm làm lụng vất vả, đầu tắt mặt tối. Nên cái chơi trong Tết cũng không rưởm rà. Ngày xưa, họ tập trung ra đình làng coi hát bội. Có những nghệ sĩ hát bội, nghệ sĩ Tuồng được người quê tôi nhớ tới từng động tác vũ đạo, từng câu hát nam hát khách, từng cú ra roi quất ngựa (vũ đạo Tuồng) sau khi họ chết đã nhiều năm. Vinh quang của người nghệ sĩ hồi xưa, khi chưa có truyền thông đại chúng, tưởng như hạn hẹp mà hoá lại sâu sắc. Nó đúng là thứ bánh nổ truyền thống, nén chặt lại chứ không nổ tùm lum toét loét như bây giờ.

Ngày xưa ở quê tôi còn món chơi “hô bài chòi”, một trò chơi “xổ số” hay “lô tô” nhưng đầy chất văn hoá và đậm đà…văn nghệ trong dịp Tết. Những tay hô bài chòi có hạng đều là những nghệ sĩ sáng tác dân gian, và đều là những nhà thơ ứng tác được nhân dân vô cùng yêu quí. Chơi bài chòi không phải là đánh bạc và người chơi không có ai thuộc họ “PMU 18” cả. Bây giờ, những trò chơi dân gian trong sáng ấy đã gần như “tuyệt chủng” trong chính nhân gian.

Hãy trả văn hoá văn nghệ dân gian về cho nhân dân, nhưng trả bằng cách nào? Nói thì dễ, nhưng làm thì khó. Không ai lẩn thẩn đến mức cầu nguyện “Bao giờ cho tới ngày xưa” nhưng cái gì ngày xưa được thì nên đặt lại nó trong cuộc sống bây giờ. Làm sao cho nó sống tự nhiên, không gượng ép, không hình thức, mà sống thật. Quê tôi bây giờ ăn Tết có vẻ “to” hơn ngày xưa, nhưng không còn cái náo nức cái hồi hộp cái mê mẩn của ngày xưa, khi “trống giục đầu đình bế bụng đi xem” hát bội (trong Nam) hay hát chèo ( ngoài Bắc) nữa.

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.