Rối chuyện phí

15/05/2013 03:45 GMT+7

Chỉ sau 3 tháng triển khai, hơn 1.000 tỉ đồng phí bảo trì đường bộ đã được thu (từ ô tô, chưa gồm xe máy). Nhưng việc chỉ đóng cửa 19/58 trạm thu phí đường bộ đang khiến cho dư luận bức xúc, Bộ GTVT phải đối mặt với một số vấn đề về pháp lý không đơn giản.

Việc 39 trạm thu phí của các nhà đầu tư BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) vẫn hoạt động và thu phí đường bộ là điều không có gì phải bàn cãi. Những hợp đồng vay - trả này là hợp đồng quốc gia, giữa một bên là bộ chuyên ngành với một bên là doanh nghiệp, sau khi có sự thẩm định của tất cả các bộ, ngành liên quan và sự cho phép của Chính phủ. Thế nên, Bộ GTVT đang phải đối mặt với việc “đụng” các hợp đồng kinh tế với các nhà đầu tư (NĐT) BOT, khi đặt vấn đề sắp xếp lại vị trí các trạm thu phí. Sau trạm Tào Xuyên (Thanh Hóa), hiện là chuyện  không đơn giản với nhà đầu tư BOT có quyền thu phí tại trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài (Hà Nội). Theo hợp đồng kinh tế đã ký kết giữa NĐT và Tổng cục Đường bộ (dưới sự cho phép của Bộ GTVT, và sự chấp thuận của Chính phủ), NĐT được giao trạm và thực hiện thu phí đường bộ trong 16 năm 10 tháng, nhưng khi vừa thu được khoảng 2 năm thì Bộ GTVT, trước áp lực dư luận đã xóa bỏ trạm phụ và lên phương án di chuyển trạm chính mà chưa có sự đàm phán thỏa đáng với NĐT.

Khoan bàn về lý do dẫn tới quyết định này của Bộ GTVT, nhưng cách làm là chưa ổn. Đã là hợp đồng kinh tế thì không thể thay đổi bằng một quyết định hành chính. Bộ GTVT thừa nhận, với nguồn lực hạn hẹp, nhà nước phải huy động các nguồn vốn khác để cải tạo, nâng cấp đường sá, vậy thì làm thế nào đây để các NĐT có còn mặn mà với những dự án BOT đang kêu gọi. Sự nhất quán trong chính sách là một thuộc tính của nhà nước pháp quyền, cần được tôn trọng và thực hiện.

Trong khi đó, một khía cạnh pháp lý khác của câu chuyện “phí chồng phí” lại chưa bao giờ được đề cập để giải quyết.

Cũng cần phải phân biệt, phí bảo trì đường bộ (duy tu, bảo dưỡng đường) và phí sử dụng đường bộ (bảo trì đối với đường do nhà nước đầu tư, thu hồi vốn đối với đường  BOT, PPP). Tuy nhiên, vấn đề là trong cơ cấu thu phí đường bộ BOT, ngoài phần thu để hoàn vốn cho NĐT, có một phần phí để bảo trì đoạn đường BOT. Lẽ ra, khi thực hiện thu phí bảo trì đường bộ (từ 1.1.2013), cùng với việc xóa bỏ các trạm thu phí nộp ngân sách nhà nước, Bộ GTVT cần tính toán, đàm phán với NĐT bỏ phần thu này trong mức phí trạm BOT. Khi đó mức phí đường bộ sẽ giảm xuống và nhiệm vụ bảo trì đường nói chung đều do Quỹ bảo trì đường bộ đảm nhiệm. Còn như hiện nay, việc chủ các phương tiện ta thán phải đóng phí bảo trì 2 lần không phải là không có lý.

An Nguyên 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.