Sân nhà đãi... khách

22/05/2017 00:00 GMT+7

Nói đãi cho sang chứ thực chất thì với nhiều sản phẩm - dịch vụ, thị trường nội địa đã bị mất vào tay các doanh nghiệp ngoại.

Đáng nói là khi chúng ta nhận ra giá trị của "sân nhà" thì việc quay trở lại không hề đơn giản.
Nhiều thập niên qua, VN luôn nằm trong top những nước xuất khẩu sản phẩm gỗ nhiều nhất thế giới, chinh phục hầu hết các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật... Nghịch lý là muốn tìm sản phẩm gỗ "made in VN" tại nội địa lại không đơn giản.
Trong các showroom nội thất lớn nhất ở TP.HCM, Hà Nội, 80 - 90% sản phẩm là của Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia hay hàng của các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sản xuất tại VN.
Hàng thuần Việt vừa ít, vừa yếu đến mức mất dần trong tiềm thức người tiêu dùng trong nước. Tương tự, nếu dạo quanh thị trường quần áo, giày dép trong nước từ thành phố đến các tỉnh vùng sâu, vùng cao, không ai nghĩ VN đang là nước xuất khẩu dệt may - da giày thuộc loại hàng đầu thế giới. Bởi tại sân nhà của "người khổng lồ" dệt may VN ở phân khúc thấp, hàng Trung Quốc len lỏi đến tận thôn xóm, bản làng. Ở phân khúc trung bình và cao, các thương hiệu nổi tiếng thế giới hoàn toàn thống trị.
Những cửa hàng nội ngày càng vắng vẻ và theo thời gian, nhiều thương hiệu Việt đã không đủ cả kiên nhẫn lẫn tiềm lực tài chính để trụ lại. Hay với gạo, niềm tự hào xuất khẩu của nước ta suốt mấy chục năm qua thì giờ đây người tiêu dùng trong nước vẫn sử dụng và chuộng gạo Đài Loan, Thái, Nhật, Campuchia... Có gì chua xót hơn khi để bán được, một số người phải cho gạo Việt núp bóng gạo ngoại. Mới đây nhất, việc xuất khẩu đồ chơi trẻ em VN tăng trưởng mạnh mẽ ở những thị trường vốn được coi là "cái nôi" của đồ chơi công nghệ cao thế giới như Mỹ, Anh, Đức, Hà Lan... khiến không ít người giật mình.
Trong tiềm thức của hầu hết các bậc phụ huynh (người mua) và trẻ em (người chơi) trong nước, đồ chơi nghiễm nhiên là hàng nhập. Nếu hỏi họ một thương hiệu đồ chơi ngoại, câu trả lời có ngay. Nhưng nếu hỏi họ thương hiệu đồ chơi trong nước, có một sự ngơ ngác không hề nhẹ. Nên nhớ, danh sách các sản phẩm, dịch vụ bị mất sân nhà rất dài và vẫn đang tiếp tục được điền thêm những lĩnh vực, ngành nghề mới.
Đáng nói là trong khi chúng ta "trầy vi tróc vẩy" để xuất từng ký gạo, con cá, bộ bàn ghế, món đồ chơi... sang các nước với giá rẻ và vô vàn rủi ro thì thị trường nội địa đầy tiềm năng lại rơi vào tay hàng ngoại. Với hơn 92 triệu người, đứng thứ 14 thế giới về dân số, tăng trưởng kinh tế cao..., VN là thị trường tiêu thụ hấp dẫn với hầu hết các nước và sức hút này đã được các DN ngoại nhìn thấy từ rất sớm.
Hơn 20 năm trước, những công ty đa quốc gia lớn nhất thế giới từ lĩnh vực ẩm thực, đồ uống như Coca Cola, Pepsico, KFC, Lotteria đã vào VN. Cho đến nay, từ hàng công nghệ cao cho đến các mặt hàng tiêu dùng nhỏ nhất trong bếp của các bà nội trợ... có đầy đủ các thương hiệu lớn trên toàn cầu.
Tại sao họ nhìn thấy tiềm năng của VN mà chúng ta lại bỏ qua? Có nhiều nguyên nhân nhưng lớn nhất là tình trạng tập trung tất cả cho xuất khẩu, thậm chí không quá lời khi gọi là trào lưu. Mải mê "đem chuông đi đánh xứ người", thị trường nội địa bị bỏ trống và rơi vào tay DN ngoại. Đến khi gặp khó, nhiều DN quay lại sân nhà thì hỡi ôi, chen chân vào đâu cũng hết chỗ. Đến giờ, ngay cả xuất khẩu, gần 70% tổng giá trị cũng là của các DN FDI, DN thuần Việt cứ teo tóp dần.
Nói vậy không có nghĩa là miếng bánh thị phần nội địa đã chia xong và chúng ta phải chấp nhận. Cạnh tranh là một chặng đường dài và không ai có thể "xí phần" mãi mãi. Nhưng muốn được chia phần, DN nội phải lên chiến lược chinh phục người nhà bằng chất lượng, dịch vụ, giá cả. Thế giới đã chứng kiến những "ông lớn" trong thị trường bán lẻ phải rút lui khỏi Hàn Quốc trước tinh thần sử dụng hàng nội địa của người Hàn.
Lẽ nào chúng ta không làm được?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.