Sao cứ chờ nhau?

Cách đây vài tuần tôi đến cơ quan công an quận đổi chứng minh thư thành căn cước. Tôi nộp chứng minh thư vào một cái rổ rồi ngồi chờ khoảng 30 phút để được gọi tên. Chỉ là nhận một mẫu tờ khai.

Thú thật là tôi không thể tránh khỏi ba câu hỏi ập đến cùng lúc. Một là tại sao ở các cơ quan nhà nước người ta hay giải quyết chuyện xếp thứ tự chờ giải quyết thủ tục bằng cái rổ, mà không là một hình thức nào khác văn minh hơn, hiện đại hơn?
Hai là, tại sao phải đến tận đây ngồi chờ 30 phút thì người dân mới được nhận một tờ giấy mà bản chất chỉ là một biểu mẫu?
Câu hỏi thứ ba đau xót hơn, là tại sao ở một đất nước thường tự hào là giỏi công nghệ thông tin (CNTT) mà mọi thứ lại có vẻ đang diễn ra theo kiểu thủ công một cách khó hiểu thế này?
Mỗi ngày tôi hay đi ngang một ngã tư đường có đường sắt cắt ngang. Lạ lắm, rào chắn tàu hỏa hạ xuống nhưng đèn xanh đường bộ ngay đó vẫn bật sáng. Thế là mỗi lần tàu qua là mỗi lần kẹt, dù cái ngã tư ấy to đùng chứ chẳng chật hẹp gì.
Gần như lần nào đến giao dịch với chính quyền làm các thủ tục hành chính thì lần ấy tôi đều phải trình bản sao y hộ khẩu, chứng minh thư. Tôi tự hỏi sao chính quyền cấp giấy tờ cho dân rồi lại cũng chính quyền truy hỏi dân về những giấy tờ ấy, dân trình ra cũng chưa được mà đòi phải sao y. Rồi lại cũng chính quyền sao y.
Đằng sau một cái rổ để xếp hàng thủ tục có thể là cảnh người dân phải chen chúc ngồi chờ không dám bỏ đi đâu vì sợ mất giấy tờ.
Một biểu mẫu không được đưa lên mạng để dân tải về dùng có thể dẫn đến cảnh nhiều người bỏ công ăn chuyện làm chờ đợi.
Một ngã tư đường không được đồng bộ hóa đèn giao thông đường bộ và đường sắt có thể gây ra những đám kẹt xe đều đặn mỗi ngày.
Một sự ích kỷ của một ngành về cơ sở dữ liệu hộ khẩu và chứng minh thư trong thực tế đã dẫn đến một sự lãng phí trên diện rộng thời gian, công sức và chi phí nhân bản, sao y. Nhiều chuyện kiểu như thế đã làm đất nước thua kém.
Thậm chí ngay trong ngành y tế, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam hôm 3.6, trong một hội nghị, đã yêu cầu đẩy nhanh ứng dụng CNTT, đặc biệt là các bệnh viện trong việc kết nối liên thông dữ liệu phục vụ giám định, thanh toán BHYT.
Theo ông Đam, chậm ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dịch vụ y tế nên mới có chuyện một người đi khám BHYT 9 lần trong một tháng; tồn tại các vụ việc lạm dụng dịch vụ y tế như thực tế đã xảy ra. Đó là chưa nói đến việc truy xuất bệnh sử, kết quả xét nghiệm, toa thuốc, các chỉ định… nếu ứng dụng CNTT thật sự triệt để.
Không cần quá am hiểu về CNTT chúng ta cũng có thể biết rằng, tất cả các giải pháp kỹ thuật để hỗ trợ tự động hóa, hiện đại hóa giải quyết những chuyện nói trên đều đã có sẵn, từ giải pháp hạ tầng kết nối, mô hình cơ sở dữ liệu, cho đến tích hợp hệ thống, phát triển ứng dụng chức năng dường như đều sẵn có. Cứ nhìn vào một thực tế ứng dụng CNTT như của ngành ngân hàng thì thấy rất rõ chuyện này.
Vậy mà cứ chờ nhau! Giới CNTT bảo là chờ chính quyền, giới chính quyền lại bảo là chờ giới CNTT. Những gì ông Đinh La Thăng nói với Giám đốc Công viên phần mềm Quang Trung trong cuộc viếng thăm cuối tháng 5 vừa qua dường như đã gọi tên cái nghịch lý đợi chờ nhau ấy. “Các anh cứ làm đi. Thành phố mua ngay. Không thể nói em làm cái này thôi thì chết”.
Chúng ta thiếu điều gì nếu không phải là thiếu quyết tâm ứng dụng CNTT để thay đổi thực tế đất nước? Thử nhìn vào trang chủ website của một quốc gia ASEAN như Malaysia thôi, đã thấy chính phủ điện tử của họ triển khai trên mobile luôn rồi, trong khi chúng ta, dân vẫn chờ xếp giấy tờ vào cái rổ…Chúng ta thiếu điều gì để ứng dụng CNTT, nếu không phải là thiếu một tấm lòng vì dân?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.