Sức ép

13/07/2018 05:15 GMT+7

Để thay chữ “thu giá” vừa máy móc, vừa sai về ngữ nghĩa về đúng từ “thu phí” tưởng đơn giản mà hóa ra lâu không tưởng.

Kể từ khi Thủ tướng chính thức chỉ đạo “trả lại tên” mất 1 tháng rưỡi, còn kể từ khi người ta phát hiện ra sự sai trớ trêu của từ này và tranh cãi, phản biện nảy lửa thì cả năm trời.
Qua câu chuyện xung quanh “trạm thu giá” vừa qua, có thể phải nói đến 2 “thói” rất không hay của cơ quan hành chính hiện nay: bao biện và chậm trễ (trong giải quyết công việc). Trạm thu phí đổi thành trạm thu giá được giải thích là do... thực hiện luật Giá (!?); Tàu vỏ thép được đầu tư lớn từ ngân sách nhà nước, khi bị phát hiện hư hỏng dù mới ra biển lần đầu, người ta cũng vội vàng giải thích đó là do “nước biển quá mặn”.
Cầu vượt biển Lạch Huyện (Cát Bà, Hải Phòng) khi phát hiện ra sự cố, người ta cũng nhanh chóng tuyên bố: Do gió biển quá to... Chính kiểu tư duy bao biện, không chịu thừa nhận lỗi hành vi như thế này là một trong những nguyên nhân khiến việc giải quyết, khắc phục hậu quả sự cố, sai lầm thường chậm hơn bình thường như nó vốn phải thế.
Hôm qua, tại buổi làm việc với các bộ về kiểm tra thủ tục chuyên ngành, cắt giảm thủ tục hành chính, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng bày tỏ sự sốt ruột của Chính phủ về các hoạt động cải cách chuyển biến rất chậm.
Theo ông Dũng thì Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành phải xây dựng nghị định cắt giảm 50% các điều kiện kinh doanh, trình Chính phủ trước ngày 15.8, tức là rút ngắn 2 tháng so với mốc 30.10 theo Nghị quyết 01.
Có lẽ, đã đến lúc Chính phủ thấy cần phải tạo ra sức ép lớn hơn lên bộ máy hành chính. Thay một chữ được dùng sai (thu giá) mà cũng phải mất rất lâu sau khi cần người đứng đầu Chính phủ phải chính thức chỉ đạo; thì đủ hiểu tại sao, cho đến nay, mới chỉ duy nhất có Bộ Công thương ban hành được nghị định về cắt giảm các điều kiện kinh doanh theo Nghị quyết Chính phủ. Hầu hết các bộ ngành còn lại chưa đạt, chưa cắt giảm, số lượng cắt giảm quá ít.
Chúng tôi không cho rằng sự chậm trễ trong việc xuống tay cắt bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, tháo gỡ cho sản xuất, kinh doanh là do các bộ, ngành còn muốn níu kéo quyền lực gì cả. Vì rõ ràng với quyết tâm thấy rõ của Chính phủ, thì sự níu giữ này (nếu có) là không thể.
Nhưng thái độ chậm chạp, trông chờ trong giải quyết công việc của các cơ quan hành chính là có thật. Mà để giải quyết nhanh một công việc, phụ thuộc đầu tiên là năng lực của người thực hiện, thứ hai là thái độ trách nhiệm, dám làm dám chịu trách nhiệm, thứ ba là phẩm chất cán bộ và cuối cùng mới là cơ chế để thực hiện. Hiểu được những nguyên tắc ấy thì sẽ khắc phục được tình trạng 1 tháng rưỡi để sửa một từ dùng sai, sau chỉ đạo của Thủ tướng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.