Tẩy chay đồ gian

11/08/2015 05:16 GMT+7

Chuyện 'xông ra đường 'lột' logo ô tô' hay thậm chí đã từng có vụ bẻ kính chiếu hậu khi xe đang dừng đèn đỏ quả là hành vi liều lĩnh và thách thức không chỉ pháp luật mà còn cả cộng đồng. Bởi trước nay người có ô tô chỉ thường bị lén lút 'lột' kính chiếu hậu hay vài loại phụ tùng khác khi sơ ý do thiếu quan sát lúc đỗ xe.

Chuyện “xông ra đường “lột” logo ô tô” hay thậm chí đã từng có vụ bẻ kính chiếu hậu khi xe đang dừng đèn đỏ quả là hành vi liều lĩnh và thách thức không chỉ pháp luật mà còn cả cộng đồng. Bởi trước nay người có ô tô chỉ thường bị lén lút “lột” kính chiếu hậu hay vài loại phụ tùng khác khi sơ ý do thiếu quan sát lúc đỗ xe.

Thực ra, nếu không có những cửa hàng “cam kết” tiêu thụ những “mặt hàng” hoàn toàn khó tiêu thụ này, thì các chú ăn trộm vặt cũng không có cơ hội ra tay. Vì đó là những mặt hàng “độc”, chỉ từ các hãng xe hay các đại lý chính thức của hãng mới có. Và thực ra, nếu không có hệ thống cửa hàng buôn bán hàng gian một cách công khai thì việc bán một “logo” là hơi bị khó: chả ai thay mới làm gì một thứ vật trang trí gần như không bị cũ hay bị hỏng. Nếu công an kết hợp với quản lý thị trường bất ngờ kiểm tra các cửa hàng nghi tiêu thụ đồ ăn cắp này, thì mọi chuyện rõ ra ngay. Điều đáng nói ở đây là ngay tại TP.HCM bất kỳ ai có ô tô đều biết cần tìm mua một cái logo cũ ở đâu!
Phải công nhận, khi ra tay “lột” logo ô tô, người “chôm chỉa” đã thao tác trong một thời gian ngắn kỷ lục. Cái này phải tập đi tập lại nhiều lần và cũng phải ra “thực địa” nhiều lần mới đạt tới độ “thiện nghệ” như thế. Dù sao, vẫn có một khoảng thời gian nhất định, và người có “hành động kỳ quặc” kia không thể thoát khỏi mắt người đi đường. Nhưng có lẽ vì chuyện này “mới quá”, người đi đường chưa quen, hoặc ngại bị trả thù nên không ai tố cáo ngay lập tức kẻ chôm chỉa. Nắm được tâm lý đám đông, những kẻ này đã “hành nghề” một cách rất bình tĩnh và chuyên nghiệp.
Đây cũng giống như một hành động trấn lột công khai, chỉ hình thức “nộp phạt” là hơi khác: phải mua lại đồ vật của chính xe mình vừa bị đánh cắp.
Những chuyện nhỏ trên đường phố như thế, nếu để xảy ra dài dài, sẽ mang lại một hình ảnh không đẹp cho thành phố. Mất cái logo xe của dân là chuyện nhỏ, nhưng mất niềm tin vào sự an toàn khi lưu thông trên đường phố là chuyện lớn. Có thể, khi đã ra tay dẹp được chuyện ăn cắp logo ô tô, lại sẽ xảy ra những chuyện ăn cắp khác. Đó cũng là một phần khó tránh trong cuộc sống. Nhưng nếu cơ quan công quyền cứ coi những chuyện như thế là “chuyện nhỏ” thì sẽ xảy ra nhiều chuyện lớn hơn. Và cái xấu, cái mất an ninh trên đường phố sẽ gia tăng dần theo cấp số nhân.
Trong khi chờ sự ra tay của người dân để bắt quả tang những kẻ ăn cắp, thì một việc “cần làm ngay” là điều tra và bắt những chủ cửa hàng tiêu thụ của gian. Cái này dễ làm hơn và hiệu quả hơn. Một khi dẹp được các cửa hàng tiêu thụ đồ gian, thì nạn trộm cắp sẽ giảm đi. Mặt khác, một khi các chủ ô tô từ chối mua lại “logo của mình” tại các cửa hàng không lương thiện, mà tới ngay các hãng hoặc đại lý chính hãng để mua, thì cũng góp phần làm giảm nhẹ nạn ăn cắp vặt trên đường phố.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.