Tham nhũng tài nguyên

15/09/2016 08:28 GMT+7

Chua xót. Đau đớn.

Đó là những gì mà người dân đã và đang phải chứng kiến cảnh “rừng vàng, biển bạc” đang ngày đêm bị cày xới, đào bới tới mức cạn kiệt, trong khi ngân sách gần như không thu được đồng nào, ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên trầm trọng.
Nỗi đau đó thật khó chấp nhận đối với một quốc gia giàu tài nguyên, đang đứng thứ 7 về khai thác dầu thô ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thứ 15 trên thế giới về diện tích khoáng sản; đóng góp 2,3% tổng sản lượng thiếc và 1,8% tổng sản lượng xi măng toàn cầu.
Nhưng chúng ta còn một thứ bậc nữa khiến cả thế giới phải “ngước nhìn”. Theo một nghiên cứu, tổng thất thu từ khai thác khoáng sản và dầu khí ở VN ước khoảng 21.000 tỉ đồng mỗi năm; chi phí lót tay không chính thức của doanh nghiệp (DN) chiếm tới 72 - 73% tổng chi phí hoạt động. Điều đó lý giải vì sao tình trạng khai gian sản lượng, giả chết lâm sàng, chây ì trốn thuế của các DN diễn ra triền miên, công khai. Và thuế tài nguyên - nguồn thu chủ yếu trong lĩnh vực này chỉ chiếm từ 0,9 - 1,1% thu ngân sách.
Tấm gương tày liếp cho hệ lụy này chính là trường hợp của “đại gia” vàng Besra. Hai mỏ vàng Phước Sơn, Bồng Miêu với trữ lượng hàng chục tấn, “ông lớn” này vào VN chỉ đào lên bán nhưng liên tục báo lỗ nghìn tỉ đồng, chây ì, trốn nợ thuế hàng trăm tỉ đồng gây bức xúc dư luận suốt thời gian qua.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, nguồn thu ngân sách (không kể dầu thô) từ thuế tài nguyên giai đoạn 2001 - 2005 trung bình là 854 tỉ đồng/năm, giai đoạn 2006 - 2010 là 2.317 tỉ đồng/năm 2015 cũng chỉ đạt 11.129 tỉ đồng. Nếu tính tỷ trọng số thu thuế tài nguyên trong tổng thu ngân sách nhà nước từ 0,53% giai đoạn 2001 - 2005 tăng lên 1,38% năm 2014 là cao nhất, còn 2015 chỉ là 1,22%. Tỷ lệ này chỉ dao động trong khoảng 1% tổng thu ngân sách nhà nước, rõ ràng chưa tương xứng với tiềm năng khoáng sản hàng đầu thế giới của VN.
Điều đáng lo ngại hơn, các DN khoáng sản lâu nay quen đào bới thủ công; máy móc, dây chuyền công nghệ lạc hậu, chạy theo lợi nhuận, ăn xổi ở thì... khiến hầu như không DN nào bỏ tiền ra xử lý môi trường. Hậu quả vỡ hồ chứa nước titan, bùn đỏ tràn ra ngoài như nước lũ thời gian gần đây hay hàng trăm triệu mét khối đá, hàng chục triệu mét khối nước thải mỏ của Tập đoàn than - khoáng sản khiến một số vùng của Quảng Ninh ô nhiễm báo động như Mạo Khê, Uông Bí, Cẩm Phả vẫn còn rất nặng nề.
Không có một quốc gia nào bảo vệ tài nguyên lại cho DN tự khai báo sản lượng khai thác rồi dựa vào đó đánh thuế. Và chắc không có một đất nước nào DN ô nhiễm môi trường khi đào mỏ quặng, hút cát lại được xử phạt nhẹ như ở VN.
TS Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Công ty New Technology Solutions và ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, tại một hội thảo mới đây đã cho rằng, nguyên nhân của tình trạng trên do cơ quan quản lý có tư duy “sợ” minh bạch thông tin, “thích” tù mù để dễ xin cho, còn một khi đã minh bạch quá thì chẳng biết quản cái gì.
Minh bạch thông tin, cơ chế; chế tài cứng rắn mới hy vọng diệt được lợi ích nhóm, tham nhũng trong khai thác tài nguyên. Còn cứ để như hiện nay, thì mai sau thế hệ tương lai, con cháu chúng ta chắc chắn sẽ phải đi nhập khoáng sản, đồng thời phải nai lưng khắc phục ô nhiễm, đối diện với đói nghèo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.