Thiếu chuẩn bị

09/11/2012 03:30 GMT+7

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình, dự kiến NHNN sẽ mua vàng để tăng dự trữ ngoại hối vừa "xử lý triệt để vấn đề vàng hóa nền kinh tế và tận dụng nguồn lực vàng miếng trong dân". Tăng dự trữ vàng nghe thì có vẻ hợp lý nhưng còn rất nhiều điều phải tính đến nếu sử dụng giải pháp này.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình, dự kiến NHNN sẽ mua vàng để tăng dự trữ ngoại hối vừa "xử lý triệt để vấn đề vàng hóa nền kinh tế và tận dụng nguồn lực vàng miếng trong dân". Tăng dự trữ vàng nghe thì có vẻ hợp lý nhưng còn rất nhiều điều phải tính đến nếu sử dụng giải pháp này.

Đầu tiên là những lo ngại ảnh hưởng đến chỉ số lạm phát (CPI).

Theo ước tính, lượng vàng trong dân hiện khoảng 300 - 500 tấn, tương đương 15 - 20 tỉ USD. Nếu NHNN bung một lượng tiền lớn ra để mua vàng như nói trên chắc chắn sẽ tác động mạnh đến chỉ số CPI. Trong khi QH ngày hôm qua đã chính thức thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong đó xác định mục tiêu năm 2013 là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát là 8%.

Lo ngại thứ hai là rủi ro về giá. Ngoài chuyện giá vàng thế giới có thể giảm thì việc mua vàng trong nước còn đối mặt với rủi ro cực lớn khi độ chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đã và đang duy trì ở mức rất cao, trung bình từ 3 - 4 triệu đồng/lượng. Nghĩa là chỉ cần độ vênh này được kéo lại (đây là mục tiêu quản lý thị trường vàng của cơ quan này trong suốt thời gian qua) NHNN cũng sẽ lỗ lớn. Trong khi an toàn vốn phải là tiêu chí số 1 trong dự trữ quốc gia.

Thứ ba là, nếu NHNN đứng ra mua vàng làm dự trữ, cất vào kho thì chỉ cần vàng đạt chất lượng 4 số 9 là được, không cần thiết phải thực hiện việc "độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC" thành thương hiệu vàng quốc gia như cách mà cơ quan này đang làm. Như vậy, việc chuyển đổi từ vàng phi SJC sang vàng SJC, những xáo trộn thị trường không cần thiết, tình trạng vàng nhái, giả cũng như những thiệt hại của người sở hữu vàng miếng "phi SJC" sẽ tính như thế nào?

Có thể thấy rất rõ, sự lúng túng, thiếu chuẩn bị cũng như "tiền hậu bất nhất" của NHNN trong điều hành, quản lý thị trường vàng. Đang tìm cách khơi thông vốn vàng trong dân thì đột ngột chuyển sang chấm dứt huy động vốn vàng ở các NH. Vừa tuyên bố độc quyền vàng miếng SJC lại vừa khẳng định giá trị của các thương hiệu vàng miếng khác. Cương quyết xây dựng thương hiệu vàng quốc gia để mua vàng... cất vào kho làm dự trữ. Tạo lợi thế riêng cho một nhóm NH được phép mua - bán vàng tài khoản để bình ổn thị trường nhưng khi vàng trong nước cao hơn giá thế giới tới 4 triệu đồng/lượng thì lại tuyên bố, không cần thiết phải bình ổn; Việc chấm dứt huy động vàng ở các NH cũng được gia hạn tới lui, tạo nên những bất ổn không đáng có cho thị trường và làm giảm tính nghiêm túc của chính sách quản lý.

Vàng kém chất lượng; vàng nhái, giả thương hiệu SJC phát hiện ngày càng nhiều; giá vàng trong nước lại bỏ xa giá thế giới; các NH hết giảm lãi suất lại lao vào tăng huy động vàng... những bất ổn trên thị trường vàng không hề giảm mà ngày càng tăng một phần lớn là do chạy theo sự thay đổi của cơ chế, chính sách như nói trên.

Thị trường vàng cần phải được điều hành, quản lý bằng một chính sách dài hơi, khoa học và minh bạch chứ không thể cứ mãi đối phó và thiếu sự chuẩn bị như hiện nay.

Nguyên Khanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.