Tiền mất, tật mang

16/03/2017 05:51 GMT+7

Báo chí phản ánh rất nhiều về tình trạng sai phạm ở các phòng khám có bác sĩ Trung Quốc (gọi tắt phòng khám Trung Quốc): hành nghề quá phạm vi chuyên môn cho phép; hành nghề không phép; bệnh ít, bệnh nhẹ nhưng “vẽ” thêm bệnh, bệnh nặng; quảng cáo thổi phồng...

Rất nhiều lần khi các đoàn thanh tra y tế đến kiểm tra phòng khám (PK) Trung Quốc thì những người Trung Quốc khám bệnh (không phép) vội cởi áo blouse bỏ chạy tán loạn, có người đu lên cả trần nhà để trốn! Suy cho cùng, đã là thầy thuốc thì không ai làm ăn kiểu chụp giựt và trốn chạy như thế!
Thế nhưng, vẫn có nhiều người trở thành “con mồi”, là nạn nhân của các PK Trung Quốc. Không chỉ tiền mất mà nhiều trường hợp tật mang thậm chí là mất mạng.
Tại sao, chỉ riêng ở TP.HCM và Hà Nội có cả chục ngàn bệnh viện, PK và cơ sở y tế tư nhân nhưng lại để các PK Trung Quốc “tung hoành”, làm thiệt hại cho người bệnh như thế? Người bệnh, nạn nhân của các PK Trung Quốc cho biết vì ngại vào bệnh viện công đông đúc, nhất là thái độ phục vụ không tận tình của y bác sĩ, nên khi có bệnh (nhất là những bệnh... tế nhị về nam khoa, phụ khoa...), họ lên mạng internet tìm nơi chữa bệnh và thấy các PK Trung Quốc (khi ấy họ không biết đó là PK Trung Quốc) quảng cáo về chữa các bệnh nam khoa, phụ khoa, trĩ... nghe hay quá nên tìm đến. Theo các nạn nhân, ban đầu vào, PK nói chữa không bao nhiêu tiền (tầm vài triệu đồng) nhưng rồi sau đó “vẽ” thêm bệnh khác, bệnh nặng, số tiền điều trị đội lên vài chục triệu đồng. Khi đó, người bệnh “phóng lao phải theo lao”!
Nói điều trên để thấy rằng dù chiếm số đông nhưng các bệnh viện, PK trong nước chưa chú tâm đến việc quảng bá, giới thiệu, đưa thông tin về cơ sở của mình đến với người bệnh. Ngoài ra, thái độ phục vụ theo cơ chế “xin - cho”, “ban ơn” cũng là yếu tố góp phần kém thu hút người bệnh.
Hơn 10 năm trước, khi mới qua VN, các PK Trung Quốc thường ghi biển hiệu là PK, phòng chẩn trị y học cổ truyền Trung Quốc, họ bắt mạch, kê toa bán thuốc thang là chính. Nhưng rồi sau hàng loạt tai tiếng, gần đây các PK Trung Quốc chuyển sang mô hình hoạt động theo kiểu PK đa khoa, nên nhiều người khó nhận ra.
Chưa kể, hiện trên các trang mạng xã hội, nhất là Facebook thường xuất hiện những quảng cáo chữa dứt điểm nhiều loại bệnh khó, bệnh nan y - những căn bệnh mà y khoa tiến bộ hiện chưa chữa dứt điểm được như ung thư, da liễu... Người bệnh hết sức cảnh giác với những lời thổi phồng về khả năng chữa bệnh trên các trang mạng. Cơ quan quản lý y tế phải theo dõi, phối hợp các cơ quan chức năng xử lý kịp thời những kiểu quảng cáo như trên để ngăn từ gốc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.