Tiếng gọi của lương tâm

16/05/2009 00:27 GMT+7

Hôm nay, 16.5.2009, “Tòa án lương tâm nhân dân quốc tế” do Hội Luật gia dân chủ quốc tế tổ chức tại Paris (Pháp) đã đi vào phần kết thúc (theo giờ Paris). Riêng tên gọi của “phiên tòa” cũng đã gợi lên nhiều ý nghĩa. Nó gọi dậy lương tâm của con người, của loài người.

Ý nghĩa nhân văn của tòa án công luận nằm ngay trong tên gọi có sức mạnh của lòng phẫn nộ đối với tội ác của chiến tranh, thúc giục hành động của mỗi con người có lương tri đang sống trên quả đất này. Người ngồi ghế chánh án là Chủ tịch Hội Luật gia dân chủ quốc tế và Tổng thư ký của Hội là công tố viên tại phiên tòa. Nhiều luật gia, nhà khoa học, nhiều nhân chứng từ nhiều nước trên thế giới đã có mặt tại phiên tòa.

Tòa án lương tâm, một khái niệm quen thuộc trong đời sống tinh thần của con người. Khái niệm ấy tuy trừu tượng nhưng lại rất gần gũi trong đời sống thường nhật của con người, vì đó cũng là một nét khu biệt giữa con người với con vật, bởi thế, người ta gọi lương tâm là một thuộc tính người. Cho nên, nếu tòa án là biểu tượng tập trung sức mạnh của luật pháp thì lương tâm là biểu tượng tập trung của tính người, vừa là ý thức vừa là tình cảm của con người. Tại tòa án đang diễn ra tại Paris, cả hai sức mạnh đó được quy tụ lại để cho một trong những bi kịch khủng khiếp nhất của loài người được phơi bày để thức tỉnh lương tâm của con người, của cả loài người.

Gửi thư đến tòa án, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lưu ý rằng: “Nạn nhân chất độc da cam/dioxin là những người đau khổ nhất trong những người đau khổ” khi chỉ ra “Từ 1961-1971, quân đội Mỹ đã rải 80 triệu lít chất độc hóa học, có 366 kg dioxin xuống miền Nam Việt Nam... Đã có 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc, trong đó có 3 triệu người là nạn nhân”. Và thật oái oăm khi hai trong “những người đau khổ nhất” ấy, những con người phải hứng chịu thảm họa của chất dioxin giết người kia lại là con trai và cháu nội của ngài đô đốc Elmo Russell Zumwalt.Jr, Tư lệnh các lực lượng hải quân Mỹ từ 1970-1974 và là thành viên Hội đồng tham mưu trưởng quân đội Mỹ dưới thời Nixon! Con trai ông, một sĩ quan hải quân Mỹ trong cuộc chiến tại Việt Nam đã chết vào năm 1988 ở tuổi 44 vì nhiễm chất độc da cam và cháu nội của ông sinh ra bị chậm phát triển và mắc bệnh Down do bố đã bị nhiễm chất độc da cam! Và bi kịch cũng lại là chính ngài đô đốc hải quân Mỹ ấy là người đã ký lệnh rải chất diệt cỏ màu da cam xuống các khu rừng Việt Nam. Sự cắn rứt lương tâm đã khiến ngài cựu đô đốc ấy trở thành một trong những người dẫn đầu các cựu chiến binh trong vụ kiện da cam những năm 1980 ở Mỹ.

Trong các nhân chứng từ Việt Nam đến dự phiên tòa có ông Mai Giảng Vũ, người đã từng tham gia phi đoàn 221, sư đoàn không quân quân đội Sài Gòn đóng tại Biên Hòa, đã từng bốn lần tham gia rải chất hồi ấy được gọi là chất khai quang ở Long An, Tây Ninh, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Ba con trai của ông sinh từ 1970-1975 đều đã mất ở tuổi 23-24 sau hơn 18 năm bị teo cơ, gầy mòn dần và rồi không đi lại được. Giờ đây, ông đang sát cánh với ông Hồ Ngọc Chu ở Quảng Ngãi, người chiến sĩ ở chiến trường Liên khu 5 và anh Phạm Thế Minh sinh năm 1975 tại Hải Phòng, con của hai bố mẹ đều là chiến sĩ quân giải phóng trên chiến trường miền Nam trước đây, họ đều là nạn nhân chất độc da cam.

Quả thật chất độc khủng khiếp do máy bay Mỹ rải xuống đã không hề phân biệt người ở bên này hay ở bên kia chiến hào, không phân biệt ý thức hệ, tín ngưỡng tôn giáo, vùng miền nam bắc, thậm chí chính người đi thi hành nhiệm vụ khủng khiếp bị khoác cho cái áo hiền từ “rải chất khai quang, diệt cỏ” kia cũng đều gánh chịu những thảm họa khủng khiếp như nhau. Và lương tâm đang gắn kết họ lại để đấu tranh chống lại hành động vô lương tâm đang cố lấp liếm và bao che cho tội ác.

Cần hiểu rằng, lương tâm được đo bằng việc người ta có làm tất cả những gì có thể làm không. Vì rằng, chẳng có tình thế nào mà lại không có một lối thoát tốt nhất, một lối thoát tối ưu. Thước đo của tính tối ưu này là sự công bằng mà thế giới này đang dày công tìm kiếm. Sự công bằng mà vị tổng thống thứ 44 của Mỹ, ông Obama, từng thiết tha kêu gọi. Liệu người ta có thể hoàn toàn tin tưởng ở lời hứa muốn đem lại sự công bằng cho nước Mỹ, và chắc là không chỉ của riêng nước Mỹ.

Phải chăng cần nhắc lại lời của vị tổng thống Mỹ ấy: “Con đường phía trước sẽ dài và chúng ta phải vượt qua dốc đứng. Chúng ta sẽ không thể tới đích trong một năm hay thậm chí trong một nhiệm kỳ. Nhưng chưa bao giờ tôi tràn đầy hy vọng hơn lúc này rằng nước Mỹ sẽ tới đích. Tôi hứa với các bạn rằng chúng ta sẽ tới được đích đó”. Liệu đó có phải là lời hứa của lương tâm của người đem lại sự thay đổi cho nước Mỹ? Liệu có thể tin được rằng, rồi đây các chính quyền của Mỹ, trước hết là các cấp tòa án Mỹ có sự thay đổi đó không, cho dù “con đường phía trước sẽ dài và chúng ta phải vượt qua dốc đứng”. Cũng đã có những động thái khiến cho chúng ta cố gắng tin vào điều này khi mà Tòa án tối cao Mỹ đã không chấp nhận vụ kiện này nhưng Quốc hội và Chính phủ Mỹ đã có những động thái ban đầu trong việc giải quyết hậu quả chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam.

Cuộc chiến đấu cho công lý được thực hiện, cho cái thiện thắng cái ác sẽ là cuộc chiến đấu lâu dài và “Tòa án lương tâm nhân dân quốc tế” mới là một cái mốc trên con đường dài, nhưng là cái mốc hết sức có ý nghĩa.

Tương Lai

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.