Ứng xử với thú rừng

26/07/2012 03:20 GMT+7

Liên tiếp những chuyện gây kinh hoàng và buồn liên quan đến bảo vệ động vật hoang dã. Từ chuyện hành hạ dã man và sát hại voọc (loài thú rừng quý hiếm bị cấm săn bắt) rồi đưa lên mạng để... khoe, tới chuyện một con bò tót chạy lạc từ rừng xuống khu vực sân bay Phú Bài (Huế) sau hai ngày đêm bị bao vây đã “được” những nhà chuyên môn cứu hộ cứu cho đến... chết.

Những chuyện săn bắn thú rừng, ăn thịt thú rừng, bắn thuốc mê quá liều khiến thú rừng thiệt mạng đã xảy ra nhiều lần ở Việt Nam, và hiện nay mức độ nghiêm trọng đang tăng lên đã khiến mọi người phải lo lắng.

Ngày xưa, trong những hoàn cảnh bắt buộc để sinh tồn, cha ông chúng ta vẫn ăn thịt thú rừng, nhưng đó là ăn để sống chứ không phải ăn vì “khoái cảm” thể hiện một cách công khai. Đối với người xưa, nhất là những người sống gần với rừng núi, sự tôn trọng thiên nhiên, trong đó có sự tôn trọng đối với những con vật hoang dã, là sự tôn trọng mang tính thiêng liêng. Còn bây giờ, khi mọi sự tôn trọng không còn nữa, khi người ta có thể chà đạp lên thiên nhiên mà không bị trừng phạt, thì những chuyện sát hại thú vật hoang dã hay thậm chí vui thích vì hành hạ giết chóc thú vật hoang dã đã thành “chuyện thường ngày ở…khắp nơi”. Đó là một điều cực kỳ nguy hiểm!

Thiên nhiên đã và đang trả thù con người vì sự đối xử tàn hại với thiên nhiên, mà trong cuộc trả thù đó, những con người lương thiện biết yêu thiên nhiên có khi lại là nạn nhân. Giống như khi một đập chứa nước thủy điện bị vỡ, thì những thường dân phải hứng chịu tai họa lại chẳng hề có liên quan một chút gì tới thủy điện, nhiều khi những con thú rừng bị dồn vào đường cùng, những phản ứng bản năng của chúng có thể gây họa cho những người tình cờ
gặp chúng.

Mới đây, chuyện một con gấu tình cờ lạc vào siêu thị ở Mỹ, đáng cho chúng ta phải suy nghĩ. Thái độ bình tĩnh, thân thiện của con người ở đây, cũng như những biện pháp xử lý tức thời và rất nhẹ nhàng để bảo đảm mạng sống cho con gấu. đồng thời bảo đảm sự an toàn cho con người đã được thực thi một cách chuyên nghiệp và hiệu quả. Cứ giả thử con gấu ấy lạc vào một siêu thị hay khu chợ của Việt Nam, điều gì sẽ xảy ra?

Bảo vệ thú vật hoang dã không chỉ cần cái tâm, cần ý thức, mà còn cần những kỹ năng và phương tiện mang tính chuyên nghiệp. Chúng ta hay hô hào bằng khẩu hiệu, mà ít khi có sự chuẩn bị những phương tiện và kỹ năng cụ thể để bảo vệ thú vật hoang dã. Nhiều khi, sự thờ ơ và hời hợt của con người, chưa kể những ác tâm, đều có thể mang tới tai họa cho thiên nhiên, cho thú vật hoang dã. Và cuối cùng là cho con người. Vì nếu không có thiên nhiên, nếu không còn thú vật hoang dã, con người sẽ sống thế nào? 

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.