Văn hóa thang máy

16/12/2015 06:19 GMT+7

Sáng sớm, ngay sảnh chung cư tôi ở xảy ra vụ cãi vã ầm ĩ. Chuyện là một chị làm ở ngân hàng, do vội giờ đi làm nên thang máy vừa chạm tầng trệt, mở cửa là lao ra ngoài.

Sáng sớm, ngay sảnh chung cư tôi ở xảy ra vụ cãi vã ầm ĩ. Chuyện là một chị làm ở ngân hàng, do vội giờ đi làm nên thang máy vừa chạm tầng trệt, mở cửa là lao ra ngoài.

Trong khi đó, một chị vừa đi chợ sớm về, tay xách túi đồ ăn, tay xách cặp lồng đựng phở sáng cho cả nhà, đứng ngay trước cửa thang máy. Thế là đụng nhau, cặp lồng phở nóng hổi rơi xuống đất văng tung tóe cả vào chiếc áo dài của chị ngân hàng. Chuyện tưởng nhỏ xíu, nhưng tình hàng xóm bỗng dưng rạn nứt.
Ngẫm ra, lỗi của cả hai bên. Người trong thang máy đi ra không quan sát. Còn người chờ thang máy, thay vì đứng gọn một bên, thì chắn luôn lối ra vào.
Mà chuyện này không phải cá biệt. Anh bạn tôi làm ở công ty du lịch kể, khi đưa đoàn khách Việt là nhân viên một doanh nghiệp ở TP.HCM qua Singapore du lịch. Buổi chiều đi tham quan về, ai cũng túa mồ hôi, muốn tranh thủ lên phòng tắm rửa nên đứng vây trước cửa thang máy, bất chấp một số khách đứng chờ trước đó lặng lẽ xếp thành một hàng nhỏ. Thang máy đưa khách trên lầu xuống cửa vừa mở là “quân ta” xông vào, không kịp để người bên trong thoát ra. Ngay sau đó, quản lý khách sạn mời bạn tôi tới, giảng cho một bài về “văn hóa thang máy” để về phổ biến với đoàn khách. “Xấu hổ không thể tả” là cụm từ mà anh dùng khi kể lại câu chuyện.
Văn hóa thang máy, thực ra không phải là cái gì to tát. Nó chỉ là cách ứng xử văn minh, phù hợp khi sử dụng phương tiện này. Đó là khi chờ thang máy thì đứng gọn vào một bên, chừa lối để người trong thang ra hết rồi hãy vào, nếu đông người thì xếp thành hàng trật tự, không chen lấn, nhường chỗ cho người già, trẻ em, phụ nữ mang thai... Trong thang máy không nói chuyện ồn ào, giữ khoảng cách hoặc để ý hành động để không bị cáo buộc “quấy rối”; người đến tầng gần nhất nên đứng phía gần cửa, để chỗ cho người đến tầng sau đứng phía trong; người đứng gần bảng điều khiển có thể chủ động hỏi người mới vào để nhấn số tầng nhằm tránh việc họ phải chen vào với tay bấm... Đặc biệt, khi vào hoặc ra thang máy cần quan sát kỹ để tránh đụng người khác, va cửa thang hoặc lọt hầm mà hậu quả có khi là mạng sống của chính mình. Đã có không ít vụ tai nạn đáng tiếc, thang bị lỗi không khớp tầng nên cửa vẫn mở, người sử dụng không quan sát cứ ung dung bước vào và nhẹ thì gãy xương, bể đầu, nặng thì tử vong như trường hợp mới nhất xảy ra ở Hải Phòng tối 14.12.
Hiện nay, văn hóa thang máy đã được giảng dạy ở nhiều trường đại học. Cái hay của nó không chỉ bó gọn trong cái thang máy mà còn có ý nghĩa lớn hơn về lối ứng xử trong guồng máy xã hội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.