Vỏ bọc công nghệ

20/08/2014 03:00 GMT+7

Áp dụng công nghệ mới vào việc dạy học là một xu thế, dù muốn hay không. Cho học sinh sớm tiếp cận, làm quen với trang thiết bị hiện đại cũng là một đòi hỏi cần thiết. Thế nhưng công nghệ mới hay thiết bị hiện đại không phải lúc nào cũng là chiếc đũa thần có thể làm thay đổi mọi thứ, nhất là khi những người trực tiếp sử dụng các thiết bị này chưa sẵn sàng đón nhận, còn nghi ngờ về sự minh bạch và chưa thấy hiệu quả.

Áp dụng công nghệ mới vào việc dạy học là một xu thế, dù muốn hay không. Cho học sinh sớm tiếp cận, làm quen với trang thiết bị hiện đại cũng là một đòi hỏi cần thiết. Thế nhưng công nghệ mới hay thiết bị hiện đại không phải lúc nào cũng là chiếc đũa thần có thể làm thay đổi mọi thứ, nhất là khi những người trực tiếp sử dụng các thiết bị này chưa sẵn sàng đón nhận, còn nghi ngờ về sự minh bạch và chưa thấy hiệu quả.

Đó là một trong những lý do khiến phản ứng đầu tiên của xã hội trước các đề án áp dụng công nghệ tiêu tốn hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng là không đồng tình. 

Làm sao đồng thuận được khi đề án Đổi mới chương trình - sách giáo khoa mà lãnh đạo Bộ GD-ĐT trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi Bộ trưởng Phạm Vũ Luận bác bỏ thông tin về kinh phí thì dự kiến chi tiêu cho đề án hơn 34.000 tỉ đồng. Trong đó chỉ có 105 tỉ đồng dành cho phần quan trọng nhất là biên soạn chương trình - sách giáo khoa, sách giáo viên. Còn đến 20.100 tỉ đồng (khoản kinh phí lớn nhất) dành cho trang thiết bị dạy học, dự kiến thay thế 50% thiết bị dạy học đang có. Trong thực tế trang thiết bị, đồ dùng dạy học được trang bị ở nhiều trường, nhiều nơi vẫn còn để trong kho, chưa sử dụng.

Liệu có yên tâm không khi Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 gần 9.400 tỉ đồng, đến hơn nửa chặng đường thực hiện, lãnh đạo Bộ GD-ĐT chính thức thừa nhận phân bổ kinh phí không cân đối giữa các hạng mục chi; sử dụng ngân sách lãng phí, đặc biệt ở khâu mua sắm thiết bị dạy học?

Phụ huynh có đủ kiên nhẫn và niềm tin không khi mới năm học vừa qua đã phải đóng tiền mua bảng tương tác thực hiện đề án “Phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông, chuyên nghiệp và phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi” của TP.HCM nhưng đến nay thiết bị này chưa được sử dụng hiệu quả? Với kinh phí gần 180 tỉ đồng, trong đó phụ huynh đóng góp phân nửa nhưng theo ghi nhận của phóng viên Thanh Niên, một năm qua, có học sinh chưa chạm vào bảng tương tác, nhiều giáo viên chưa làm quen thao tác với thiết bị này, có trường không biết sử dụng thiết bị vào mục đích gì đành để làm kiểu trong phòng hội đồng hoặc thư viện…

Với những gì đang diễn ra, phụ huynh có quyền hoài nghi về 4.000 tỉ đồng thực hiện đề án “Thí điểm mô hình đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3 tại TP.HCM năm học 2014 - 2015”, trong đó mỗi học sinh sở hữu một máy tính bảng. Tính khả thi của đề án này thế nào, ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh ra sao nếu sử dụng thường xuyên máy tính bảng trong khi không ít phụ huynh đang nỗ lực hạn chế cho con sử dụng máy tính bảng… đã được các chuyên gia phân tích. 

Vấn đề cần làm rõ ở đây là bất kỳ một sự thay đổi nào ảnh hưởng đến số đông cũng cần phải được nghiên cứu, điều tra, lấy ý kiến, phân tích… để có cơ sở khoa học, khách quan khi thực hiện. Trong khi thời điểm áp dụng đề án là năm học 2014 - 2015 mà ngay trước khi năm học này bắt đầu mới tổ chức lấy ý kiến. Việc làm này phải chăng chỉ là hình thức nhằm hợp thức hóa đề án?

Cách triển khai đề án một cách vội vàng như thế này, người dân không thể không hoài nghi về những tư lợi dưới vỏ bọc công nghệ.

Một chuyên gia công nghệ cho rằng đối với trẻ thì việc được học trong một môi trường an toàn, với tình yêu thương chân thành của các cô giáo, với những hoạt động kết hợp học và chơi là quan trọng nhất chứ không phải là những thiết bị công nghệ mới mà cả cô giáo, học sinh và gia đình đều chưa sẵn sàng đón nhận. Nhận định này cũng đáng để suy ngẫm.

Thùy Ngân

>> E ngại bảng tương tác
>> Ai trả tiền cho sách giáo khoa điện tử?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.