Xếp hàng xin học

03/07/2010 01:33 GMT+7

Cảnh tượng phụ huynh phải xếp hàng thâu đêm hoặc phải “bốc thăm” may rủi để mong có một chỗ gửi con trong trường mầm non công lập lại tái diễn vào mùa tuyển sinh năm nay ở Hà Nội.

Không còn quá lạ lẫm và cá biệt nữa, cảnh tượng chen lấn, xô đẩy và chờ đợi trắng đêm trước ngày bán đơn xin học đã xảy ra ít nhất 4 - 5 năm nay và ở hầu khắp các trường. Dường như chính quyền địa phương và ngành giáo dục thành phố đã mặc nhiên coi đó là hiện tượng… bình thường, khi mà hết năm này sang năm khác không thấy có động thái gì nhằm cải thiện tình hình.

Một cụ ông xếp hàng từ trưa hôm trước tới sáng hôm sau tại cổng trường Mầm non Thanh Xuân Bắc (Q.Thanh Xuân) để mua đơn xin học cho đứa cháu nội cho biết, đã 4 năm nay, năm nào ông cũng xếp hàng để xin học cho 4 đứa cháu, và năm nào cũng là một “cuộc chiến” đầy cam go và căng thẳng đến phút chót. “Tôi thấy quá đau lòng khi các dự án của Hà Nội thì nhiều và dự án nào cũng to, vậy mà khắp nơi, người dân phải điêu đứng vì một chỗ học tử tế cho con trẻ”, ông cụ bày tỏ.

Ở giữa thủ đô, nơi mà giáo dục luôn được phong danh là “cánh chim đầu đàn của cả nước” thì cảnh người dân cứ phải huy động cả gia đình thay phiên nhau xếp hàng trắng đêm để mong có một chỗ học cho con cháu mình là điều không thể chấp nhận. Đặt câu hỏi về hiện tượng này với ngành giáo dục thì chỉ nhận được câu trả lời: “Do cơ sở vật chất của trường công lập mới chỉ đáp ứng được hơn một nửa so với nhu cầu của người dân, thậm chí có 6 phường ngay trong các quận nội thành của thành phố còn trắng trường mầm non công lập…”.

Một cách lý giải không thể… đúng hơn. Thế nhưng, đó không phải là câu trả lời mà người dân mong đợi. Bởi họ biết thiếu chỗ học nên mới phải lẳng lặng xếp hàng thâu đêm để hy vọng mình không phải rơi vào tình cảnh: đến đúng giờ quy định - là quá muộn!

Cái mà người dân cần biết là đến bao giờ và làm như thế nào để tình cảnh này được chấm dứt? Khi nào, những cụ ông, cụ bà 70 - 80 tuổi không phải chống gậy đứng phơi sương, phơi gió ở giữa trời đêm để đứa cháu lên 3 của mình được nuôi, được dạy trong môi trường giáo dục của Nhà nước.

Tất nhiên, không thể chỉ đổ lỗi cho ngành giáo dục vì ngành giáo dục không quyết định được việc đầu tư đất đai, kinh phí để xây trường. Nhưng trách nhiệm của lãnh đạo chính quyền các  cấp ở thủ đô đến đâu khi mà lễ hội vẫn được tổ chức vui vẻ, tưng bừng; rồi các trung tâm thương mại, chung cư cao cấp mọc lên như nấm sau mưa, còn trường học thì bao nhiêu năm vẫn giậm chân tại chỗ.

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.