Xin đừng lợi dụng tháng giêng

Các thú chơi xuân kéo dài cả tháng (“Tháng giêng là tháng ăn chơi”) ấy thật ra là tồn dư của nền kinh tế nông nghiệp xa xưa, với những khoảng thời gian nông nhàn kéo dài.

Cái thú chơi ấy chắc chắn khó lòng tương thích với những yêu cầu của xã hội công nghiệp, hiện đại.
Nhất là trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế toàn cầu như hiện nay, thì cái thú chơi xuân đủng đỉnh ấy của người Việt chắc chắn gây ảnh hưởng tiêu cực đến các tương quan kinh tế của đất nước. Nhiều hoạt động xã hội bị đình trệ, gây chậm trễ và bất lợi cho doanh nghiệp. Chưa kể, tết ta lại lệch pha thời gian so với đa số các nước, nên các đối tác nước ngoài chắc là không tránh khỏi cảnh ngán ngẩm chờ đợi VN ăn tết xong rồi thong dong chơi xuân nữa.
Nhưng ngoài những hệ lụy cho nền kinh tế, kỳ chơi tết du xuân tháng giêng của người Việt thường cũng là lúc hiện hình nhiều điều còn bất cập của thực trạng văn hóa VN hiện nay. Những phong tục tập quán một thời rất nền nã, đằm thắm ý niệm tín ngưỡng chân thành thì giờ đây bỗng dưng trở nên phản cảm vì lòng tham và thói lợi dụng của không ít người. Nhiều ứng xử đằm thắm ân tình giờ bị lợi dụng đến trắng trợn để biện minh cho sự ăn chơi quá đà.
Thì cũng là các tục đi lễ, đi chùa xin lộc đầu năm đó thôi. Nhưng rồi là cảnh đám đông nghìn người chen lấn, đè đẩy nhau để cướp lộc. Từ lúc nào vậy, chuyện xin lộc bỗng trở thành chuyện cướp lộc ở đất nước mình?
Xin lộc là sự mong mỏi, ước nguyện chính đáng và chân thành, nhưng cướp lộc thì chỉ có thể là thể hiện của lòng tham và sự ích kỷ mà thôi. Thế là đền chùa, miếu, phủ bỗng dưng trở thành nơi để thi nhau mua thần bán thánh. Người ta vô tư sờ tượng Phật, vô tư ném tiền lẻ, nhét tiền lẻ vào bất cứ nơi nào có thể với hy vọng “hối lộ” thánh thần. Niềm tin tín ngưỡng chưa lúc nào bị tổn thương đến thế. Đừng viện dẫn phong tục tập quán truyền thống để bào chữa cho thói tranh giành hỗn loạn hòng thỏa lòng tham.
Là Tết mà. Đủng đỉnh lo chơi mà buông lơi công việc, hỏi đến thì cười trừ rồi bảo “Tết mà”. Nhậu nhẹt say sưa kéo dài, nhắc đến thì “Tết mà”. Vui vẻ bạn bè mở dàn karaoke công suất lớn tra tấn hàng xóm đến tận đêm khuya, hỏi đến thì “Tết mà”. Đi chơi ăn uống xả rác đầy đường, bẻ cành hái lộc rồi xả luôn thành rác, hỏi đến thì cũng lại “Tết mà”.
Cái câu “Tết mà!” đầy cảm thông của người Việt với nhau để động viên, khích lệ nhau đầu năm giờ bị lợi dụng hết mức.
Mỗi năm dân mình vẫn rủ nhau đi chùa đi lễ cầu bình an, cầu hạnh phúc. Thậm chí chúng ta còn cần đến một tháng giêng để lễ này hội nọ. Nhưng lòng tham và thói thực dụng dường như đang dẫn chúng ta đi ngược lại với con đường dẫn về sự bình an, hạnh phúc.
Bỏ cái thú chơi tết quá đà, răn mình làm điều đúng phép lịch sự, dặn lòng dâng lời cầu nguyện nên đi kèm với gìn giữ sự thanh tịnh, sạch sẽ cho nơi tâm linh… cũng không hẳn chỉ vì những chuyện vĩ mô như sự hưng thịnh của nền kinh tế hay văn hóa của dân tộc, mà còn là để sớm đem về cho nhau điều bình an mà chúng ta vẫn luôn nguyện cầu, vẫn hằng mong đợi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.