Xử lý từ gốc

06/04/2017 06:14 GMT+7

Việc UBND tỉnh Quảng Trị đề xuất thay Chủ tịch UBND H.Hướng Hóa, vì vị này “có trách nhiệm” trong việc để các nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai các dự án tại địa bàn, là một tín hiệu tích cực.

Rõ ràng, khi một lãnh đạo địa phương để nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn thì chẳng khác nào cản trở chính địa phương của mình phát triển. Không có lý do gì để cho một lãnh đạo như thế tại chức.
Lâu nay, “trên thông, dưới không thoáng” đang cản trở các địa phương phát triển bởi làm DN mất lòng tin. Không ít DN đã ta thán về việc gặp khó khi đến các địa phương. Đầu tháng 3 vừa rồi, Bộ LĐ-TB-XH tổ chức Hội nghị nâng cao chất lượng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Tại hội nghị, nhiều đại diện DN hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động đã bày tỏ bức xúc về việc gặp khó khi nhiều chính quyền cấp huyện đã “đẻ ra giấy phép con”. Cụ thể như DN được bộ cấp phép, cục phê duyệt đơn hàng, tỉnh cho phép nhưng khi về các huyện thì bị đòi hỏi phải chờ xin phép tiếp ở địa phương mới có thể tiếp xúc, tuyển dụng lao động. Liên quan tình trạng này, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết không ai quy định “giấy phép con”, nhưng “phép vua thua lệ làng”.
Để tồn tại “lệ làng” kiểu như vậy thì trách nhiệm không đâu khác ngoài người đứng đầu địa phương. Và chỉ khi nào những người đứng đầu bị xử lý trách nhiệm thì tình trạng trên mới có thể được giải quyết triệt để. Xử lý ở đây có thể là xem xét thay thế người đứng đầu như cách UBND tỉnh Quảng Trị đang đề xuất với H.Hướng Hóa. Thậm chí, ngay cả khi người đứng đầu không cố ý để DN gặp khó cũng nên bị thay thế vì chưa làm tròn nhiệm vụ.
Không chỉ xử lý nghiêm người đứng đầu thiếu trách nhiệm, các tỉnh thành cũng nên tạo động lực cho địa phương cấp dưới tự nâng chất. Có như thế, nỗ lực thu hút đầu tư, phát triển kinh tế mới có thể phát huy hiệu quả. Báo cáo chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 được công bố vào tháng 3, do Phòng Thương mại và Công nghiệp VN phối hợp thực hiện cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ, chỉ ra việc một số tỉnh như Lào Cai, Quảng Ninh… xây dựng, công bố chỉ số cạnh tranh cấp huyện, sở ngành là tín hiệu tích cực và việc lan rộng mô hình này đem lại nhiều hiệu quả. Đây chính là một mô hình để các tỉnh thành có thể học tập thực hiện, nhằm có cơ sở đánh giá sát sao người đứng đầu ở các cấp bên dưới, giải quyết tận gốc tình trạng “trên thông, dưới không thoáng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.