Dân trí thấp vì tìm ‘Vợ người ta’ trên Google: Khéo lo hão!

03/01/2016 23:53 GMT+7

Chắc chẳng xứ nào trên trái đất dân tình lại hay lo như cái xứ mình. Chuyện các từ khóa trong lĩnh vực giải trí chiếm ưu thế trong hoạt động tìm kiếm trên Google năm 2015 cũng khiến người ta kết luận “Việt Nam dân trí thấp”.

Chắc chẳng xứ nào trên trái đất dân tình lại hay lo như cái xứ mình. Chuyện các từ khóa trong lĩnh vực giải trí chiếm ưu thế trong hoạt động tìm kiếm trên Google năm 2015 cũng khiến người ta kết luận “Việt Nam dân trí thấp”.

Danh sách từ khóa được tìm kiếm trên Google năm 2015 cũng khiến người ta đưa đến kết luận về dân trí Việt Nam - Ảnh minh họa: ShutterstockDanh sách từ khóa được tìm kiếm trên Google năm 2015 cũng khiến người ta đưa đến kết luận về dân trí Việt Nam - Ảnh minh họa: Shutterstock
Có một thực tế phũ phàng rằng, nếu một số người ít nói đi một chút thì dân trí có thể sẽ cao thêm một phần. Chuyện lo lắng dân trí thấp chỉ vì bảng thống kê của Google cũng giống việc nấu gói mì tôm mà lo trái đất nóng lên vậy. Sao mà khéo lo hão!
Chỉ đơn giản thế này, theo một thống kê thì tỉ lệ sử dụng internet ở Việt Nam chiếm khoảng 44% tổng dân số, trong đó số người trong độ tuổi từ 15 - 24 chiếm tới 77%. Số người sử dụng internet trong độ tuổi đó lên Google tìm kiếm các từ khóa trong lĩnh vực giải trí là chuyện vô cùng dễ hiểu.
Singapore, nếu tính trên tỉ lệ dân số được cấu trúc theo độ tuổi, là đất nước có dân số già hơn Việt Nam; tỉ lệ người sử dụng internet ở quốc gia này đều đạt gần 90%. Ở mỗi độ tuổi thì nhu cầu tìm kiếm cũng khác nhau, nên có sự khác biệt giữa Việt Nam và quốc gia này trong khu vực cũng chẳng có gì lạ.
Lại nói chuyện các từ khóa nổi bật thể hiện trình độ dân trí. Tôi nghĩ, nếu ai đang cho rằng thống kê của Google chỉ ra rằng Việt Nam có “trình độ dân trí thấp” thì chính người đó đang là cá thể nâng tỉ lệ “dân trí thấp” đó lên. Thống kê của Google chỉ mang tính tham khảo, không mang tính đại diện. Dân trí cao hay thấp có những tiêu chí khác, mà cơ bản nhất là giáo dục, dân trí cao hay thấp không phụ thuộc vào những thống kê mang tính thời vụ của Google.
Chuyện người Singapore năm 2015 tìm kiếm những từ khóa liên quan đến môi trường quốc gia họ chỉ đơn giản là vì không khí đất nước này bị ô nhiễm vì khói bụi do đợt cháy rừng từ Indonesia vào tháng 9.2015. Chuyện người Nhật Bản quan tâm đến từ khóa IS đơn giản chỉ vì năm 2015 cả nước Nhật Bản dõi theo sự kiện 2 người nước này bị IS hành quyết vì không được trả tiền chuộc. Còn người Hàn Quốc quan tâm đến dịch MERS, có ai nhớ là quốc gia này đã lo sốt vó khi dịch bệnh chết người này bùng phát ở đây năm 2015 không?
Singapore, một quốc gia đang dần lão hóa và ngành công nghiệp giải trí gần như không có gì thì sao có thể đem so sánh với Việt Nam – nơi lĩnh vực giải trí quanh năm sôi động? Còn lại, nếu ai đó quan tâm và tìm hiểu hơn, ở hầu hết các quốc gia được Google thống kê (Mỹ, Vương quốc Anh, Thái Lan, Thụy Điển), các từ khóa trong lĩnh vực giải trí đều đứng ở những vị trí cao trong top 10.
Đơn cử như nước Mỹ, theo thống kê của Google, từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất là “Lamar Odom”, tên một vận động viên bóng rổ nhập viện bị hôn mê vì sốc ma túy và thuốc kích dục sau 4 ngày thác loạn tại nhà thổ hồi tháng 10.2015. Vậy chắc dân Việt Nam lên Google tìm kiếm “Vợ người ta”, một video clip ca nhạc sôi động với nhạc điệu tươi vui, thì dân trí thấp; còn dân Mỹ tìm kiếm một anh cầu thủ bóng rổ sa đọa thì dân trí cao?
Những từ khóa nổi bật được tìm kiếm năm 2015 ở Mỹ. Đứng đầu là “Lamar Odom”, một cầu thủ bóng rổ sa đọa - Ảnh chụp màn hình từ Google
Trong thống kê của Google, xét trong từng lĩnh vực cụ thể, dân mạng ở Việt Nam vẫn đi chung với xu hướng tìm kiếm của thế giới với những từ khóa tiêu biểu như: IS, Paris, Nepal… Cũng theo thống kê đó, ở các lĩnh vực trong nước, người Việt Nam vẫn lên mạng để xem điểm thi đại học, theo dõi cơn bão; vẫn trăn trở với giá xăng, tai nạn giao thông hay khấp khởi mừng vui vì chuyện hang Sơn Đoòng được lên truyền hình Mỹ. Nếu tìm kiếm những điều thiết thực đến thế mà cũng là dân trí thấp thì tìm kiếm cái gì mới được gọi là dân trí cao?

Ở những sự kiện mang tính toàn cầu, hoạt động tìm kiếm ở Việt Nam vẫn đi chung với xu hướng thế giới - Ảnh chụp màn hình từ Google

Dân trí cao hay dân trí thấp, ngoài chuyện phải nỗ lực trong mỗi tiêu chí đánh giá, thì ngay cả bản thân mỗi người cũng cần phải tỉnh táo để không tự biến mình thành kẻ xét đoán vội vàng. Để có một quốc gia dân trí cao không cần có những công dân hằng ngày ném 2 xe tải gạch đá lên facebook rồi đưa ra những nhận định vĩ mô bằng bàn phím.
Internet khiến cho người ta hiểu biết hơn, nhưng cũng ban phát cho một số ít người lòng dũng cảm, chỉ cần họ biết đánh máy. Dân ta gọi chuyện ấy là “phát biểu liều”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.