Để dân cùng chống dịch

25/08/2021 12:47 GMT+7

Tự xét nghiệm được coi là giải pháp quan trọng trong chiến lược mới giúp phát hiện sớm ca bệnh nghi ngờ, giảm tải áp lực y tế trước yêu cầu xét nghiệm diện rộng.

An sắp tròn 18, hôm nay cậu tập tự lấy mẫu test nhanh Covid-19. Sau một lúc lúng túng, cậu cũng lấy được mẫu dưới sự hướng dẫn của mẹ. Đây là lần thứ 4 An test Covid kể từ đầu mùa dịch lần này. 3 lần trước cậu đều test cộng đồng hoặc dịch vụ. Làm thử, cậu mới biết ra là, tự lấy mẫu cũng không quá khó. Mẹ cậu bảo rằng tự test chẳng những nhanh mà còn rẻ hơn test dịch vụ rất nhiều, đặc biệt, lại an toàn hơn cả test dịch vụ lẫn cộng đồng.
An chỉ là một trong rất nhiều người dân trong vùng dịch muốn chấp hành chủ trương xét nghiệm Covid-19 trên diện rộng của chính quyền nhưng rất ngại đến với các điểm xét nghiệm công cộng do địa phương tổ chức.
Nhớ lại, ngày 3.7, An từ Đồng Nai lên TP.HCM test covid để thi tốt nghiệp trung học phổ thông tại trường phổ thông Năng Khiếu nơi cậu học cấp 3. Rồi 5.7, cậu lại một lần nữa phải test dịch vụ để lấy giấy chứng nhận âm tính, như giấy thông hành về lại Biên Hòa sau khi thi. Công cuộc test của các công dân thật sự vất vả nhiêu khê, tốn kém và đầy rủi ro lây nhiễm.
Nhiều người đã sớm nhận ra sự nguy hiểm của việc không tuân thủ đúng quy trình xét nghiệm và đã đề xuất giải pháp hướng dẫn người dân tự test ở nhà, việc mà thế giới đã làm từ lâu. Vậy mà kể từ khi dịch xuất hiện đến nay đã tròn 19 tháng, ngành y tế Việt Nam vẫn đảm nhận việc xét nghiệm nhanh đơn giản này. Rồi khi thiếu hụt nhân lực, họ phải nhờ đến các cộng tác viên là giáo viên, nghệ sĩ, công chức hành chính, thậm chí là sinh viên... chứ không phải y tá, y sĩ nữa. Một phường của thành phố tôi đang sống hình thành khoảng vài chục đội xét nghiệm chạy mệt phờ thì y bác sĩ đâu ra. Nhưng chuyện lớn là lây nhiễm. Việc xét nghiệm tập trung kéo theo nhiều người đi cách ly đã là thực tế phải đối mặt.
Thêm nữa, kit test đến tay người dân vẫn quá mắc. Vi diệu như cái que thử thai cũng chỉ 10.000 – 20.000 đồng. Trong khi đó 1 bộ kit test mua lẻ cũng phải tròm trèm 200.000 đồng. Từ năm ngoái Việt Nam đã chủ động sản xuất kit test, nhưng đến nay, giá bộ kit test trong nước đến tay người dân cũng chả thấp hơn hàng nhập từ Hàn.
Một số đơn vị hiện vẫn phải duy trì sản xuất thì thỉnh thoảng lại phải thuê ekip của ngành y tế đến để test cho nhân viên của mình, tốn bộn tiền.
Rất may, từ ngày 23.8, ở tâm dịch lớn nhất cả nước, TP.HCM cũng bắt đầu triển khai hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 bằng test nhanh kháng nguyên virus Sars-Covi-2. Đây được coi là giải pháp quan trọng trong chiến lược mới giúp phát hiện sớm ca bệnh nghi ngờ, giảm tải áp lực y tế trước yêu cầu xét nghiệm diện rộng.
Người dân lấy mẫu ở nhà chỉ cần đội giám sát và tình nguyện viên, mỗi đội phụ trách một khu vực, khi cấp phát sinh phẩm đến từng hộ có cả đại diện chính quyền đi cùng. Những người không thể tự làm, đội giám sát có thể giúp đỡ, hướng dẫn. Ông Nguyễn Trường Sơn – Thứ trưởng Bộ Y tế - cho biết thêm: “Thời gian trước, việc lây lan trong lúc lấy mẫu xét nghiệm đã xảy ra do chưa đảm bảo điều kiện về sát khuẩn của nhân viên y tế. Cho nên việc để người dân tự lấy mẫu sẽ đảm bảo an toàn cho công tác xét nghiệm Covid-19 trên diện rộng. Chúng tôi hy vọng với sự tham gia tự nguyện của người dân trong việc lấy mẫu và sự theo dõi giám sát của ngành y tế, số lượng lấy mẫu sẽ tăng lên nhiều lần so với thời gian trước.”
GS.TS. Lê Quỳnh Mai - Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương – cũng phân tích: “Khả năng lây nhiễm trong cộng đồng rất lớn nên nếu người dân có khả năng tự kiểm soát được tình trạng nhiễm của mình thì hết sức là tốt. Việc test nhanh Covid-19 để người dân tự làm là hợp lý.”
Trong khi thành phố Hồ Chí Minh triển khai ngay việc hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm hoặc tự xét nghiệm tại nhà; các phương tiện truyền thông đại chúng xuất hiện hàng loạt videoclip, đồ họa hướng dẫn cặn kẽ các bước tự xét nghiệm, thì ở nhiều tỉnh, thành khác, tổ trưởng khu phố vẫn đến từng nhà kêu gọi người dân ra tập trung xét nghiệm cộng đồng, không chấp nhận kết quả tự xét nghiệm, và thông báo xử phạt những ai trốn xét nghiệm.
Xét nghiệm Covid-19 rồi đây sẽ trở thành một hoạt động hàng ngày, ngay cả khi đã hoàn thành chích ngừa cho 70 – 80% dân số. Kết quả xét nghiệm có thể là công cụ để nghiên cứu, phát triển thuốc và vaccine; kiểm soát dịch bệnh; và là căn cứ để người dân có thể được phép tham gia hay không tham gia một hoạt động quan trọng nào đó…
Chính quyền không thể theo sau nhân dân để kiểm tra rà soát mọi lúc mọi nơi và ngân sách cũng không thể chi hàng núi tiền cho toàn bộ các xét nghiệm. Chính vì thế, cung cấp hoặc bán sinh phẩm, công cụ để người dân tự kiểm soát là giải pháp hợp lý.
Thêm nữa, nhìn ở một góc độ khác, người dân sẽ phải từng bước trang bị những kỹ năng cơ bản, những kiến thức thường thức để biết tự chăm sóc sức khỏe bản thân chứ không thể trông chờ tất cả vào chính quyền, nhất là trong những lúc nước sôi lửa bỏng, như lúc này.
Vấn đề còn lại là chính quyền cần tổ chức hướng dẫn và người dân cần hợp tác.
Để người dân tự xét nghiệm Covid-19 và giao kết quả lại cho cơ quan chức năng, nhiều người lo ngại rằng dữ liệu sẽ không bảo đảm độ tin cậy. Nhưng giữa việc tổ chức cho người dân tự xét nghiệm và tổ chức các điểm xét nghiệm không đảm bảo yêu cầu chống lây nhiễm, thì rõ ràng giải pháp để người dân tự lấy mẫu xét nghiệm, hoặc tự test là sự chọn lựa hợp lý hơn.
Và chỉ từ câu chuyện xét nghiệm trong mùa dịch này, có một từ có thể là chìa khóa chung, đó là “niềm tin”. Niềm tin cần mọi lúc mọi nơi. Và trong lúc khốn khó này, niềm tin càng cần hơn bao giờ hết.
 
* Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong riêng của tác giả, một chuyên gia truyền thông tại TP.Hồ Chí Minh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.