Di sản Hạ Long dưới tay ngành du lịch: Mừng hay lo?

23/09/2016 16:16 GMT+7

Được công nhận di sản, bảo vệ di sản và kiếm tiền từ di sản, ba vấn đề này ở ta có vẻ không dính gì với nhau.

Cứ nhìn lại cách ta vận động để Hạ Long thành di sản thế giới, cách ta kiếm tiền từ di sản và bảo vệ di sản này thì biết.
Hạ Long là trung tâm du lịch của cả nước với hệ thống hang động tuyệt vời, được công nhận là di sản thế giới từ năm 1994. Tuy nhiên, cách nghĩ, cách làm du lịch của những người quản lý thì vẫn chưa… giống ai.
Trong buổi họp báo ngày 8.9, Hạ Long cũng đã quyết định chấm dứt việc việc tổ chức ăn uống và biểu diễn ca nhạc phục vụ du khách trong các hang động từ 30.10.2016.
Dừng tổ chức tiệc tùng trong hang là cần thiết vì chẳng nước nào dám kinh doanh kiểu đó. Việc này đã có từ năm 2005, bất chấp dư luận và cả du khách phản ứng. Trừ mấy nhà quản lý, kinh doanh và những du khách ham cảm giác lạ. Một kiểu ”ăn thịt rừng” đáng lên án, nhưng lại là cách kinh doanh béo bở, từ hang Trống lan ra các hang Cỏ, Trinh Nữ, Tiên Ông, hồ Động Tiên… trong quần thể di sản thế giới. Ấy vậy mà ngành du lịch, từ Tổng cục đến các Hiệp Hội đều im lặng đồng tình. Các hãng lữ hành thì thi nhau quảng cáo: “Sang trọng, đẳng cấp, độc đáo và không đâu có”. Thực ra là không nước nào dám làm và được làm.
Từ hơn 10 năm nay, người ta vẫn cho tổ chức ăn uống, tiệc tùng bên trong những hang động đẹp mê hồn thế này ở Vịnh Hạ Long - Ảnh: Hữu Trà
Ngày 7.9.2016, trước khi họp báo công bố quyết định dừng việc tổ chức tiệc trong hang, chủ tịch thành phố Hạ Long Phạm Hồng Hà còn tuyên bố: “Chưa phát hiện việc ăn tiệc trong hang ảnh hưởng tới môi trường!” (dù đã tổ chức hơn 10 năm). Ông Hà còn khẳng định là phải tổ chức đến hết năm 2016. Tuy nhiên, ngay ngày hôm sau, 8.9, ông đã phát biểu ngược lại. Rất may là sự ngược lại tích cực.
Thêm một… chuyện lạ đó đây nữa. Gần đây, Hạ Long đang rục rịch tiến tới việc “Cấm nấu ăn trên tàu du lịch”. Có vẻ, cứ việc gì khó quản là cấm cho chắc ăn. Nhưng không thể vì sự bất cẩn gây hỏa hoạn của vài tàu rồi cấm toàn bộ. Chưa thấy nước nào quản lý kiểu đó, thay vào đó họ xây dựng qui chuẩn an toàn cho tàu thuyền du lịch (không riêng gì việc nấu ăn) rồi giám sát, kiểm tra chặt chẽ. Tư duy du lịch kiểu này, nếu ngành giao thông cũng cấm thiên hạ ra đường để không có tai nạn thì xã hội tận thế.
Trước đây, nghe nói Hạ Long có 36 loại vé tham quan du lịch. Mỗi vé lại có 3 hạng là người lớn, trẻ em, người nhà. Vị chi là 108 phân loại vé, phải làm báo cáo và quyết toán 108 lần. Số đẹp như các anh hùng Lương Sơn Bạc. Hiện nay, dù đã cải tiến nhưng vẫn còn tới mấy chục loại vé.
Sao không bán vé trọn gói từng ngày như quần thể Angkor? Thay vì chia từng đền nhỏ lẻ (quần thể rộng hơn 400km2), người Khmer bán vé theo ngày. Đây là cách bán sỉ, vừa quản lý đơn giản vừa hiệu quả kinh doanh, khác kiểu bán lẻ từng điểm hoặc vài điểm như Việt Nam.
Thay cho việc làm cáp treo rất tốn kém, sao không đầu tư làm khinh khí cầu? Có thể chủ động độ cao, bay lượn được, tha hồ ngoạn cảnh mà không sợ ảnh hưởng đến cảnh quan và môi trường.
Tôi chợt nhớ tới lời một nhà báo tự do người Hà Lan tâm sự sau khi đến Hạ Long cách đây mấy năm: “Nếu Hạ Long ở Singapore, sẽ có 8 triệu khách quốc tế, còn nếu ở Mỹ, sẽ có 20 triệu khách”. Năm 2015, Hạ Long đón chưa tới 2 triệu khách quốc tế. Còn quá nhiều việc phải làm để Hạ Long vươn lên tầm khu vực mà quan trọng hơn cả là Con Người, đặc biệt ở cấp lãnh đạo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.