Dịch virus Corona: Cần một niềm tin để đối phó!

06/02/2020 13:27 GMT+7

Sự lan tỏa điều tốt đẹp này ngày càng đầy lên trên mặt báo và ở các trang mạng xã hội , đem lại một niềm tin ấm áp để đối phó với dịch virus Corona.

Sợ hãi, là một trạng thái không thể khác được với bất kỳ ai trước dịch bệnh do virus Corona gây ra, theo nghĩa đen của cách nói “những gì thuộc về con người thì không xa lạ với tôi”, nhưng nếu thiếu đi sự bình tĩnh, sẵn sàng đối diện thì nguy cơ sẽ càng lớn hơn!

2 yếu tố quyết định sức đề kháng trong dịch virus corona | Bác sĩ Trương Hữu Khanh giải đáp

1.Buổi trưa. Chúng tôi ngồi bên nhau trong một quán cơm niêu vắng vẻ. Nắng xiên qua cánh cửa kính trong suốt, không nhìn thấy một hạt bụi bay. Bước vào, tôi chọn chỗ ngồi phía có ánh nắng. Nhiệt độ lúc này ngoài trời có thể lên đến 32-33 độ C. Bạn của chúng tôi, là một tiến sĩ y khoa đang công tác ở một bệnh viện tại TP.HCM.
Vừa ngồi xuống, bạn nói rằng một thông tin đáng lo ngại mới cập nhật sáng nay, đó là người ta phát hiện virus Corona ở tay nắm cửa, điều đó chứng tỏ virus này có thể bám vào các bề mặt ở bất cứ nơi đâu. Cộng với những điều chúng tôi đọc được ở các tờ báo buổi sáng, số ca nhiễm bệnh và số ca tử vong qua một đêm ở Trung Quốc. Sự trao đổi về thông tin ấy khiến cho không khí chùng đi một lát.
Nhưng, hầu như sau đó, không ai bảo ai, chúng tôi vẫn nâng ly và vui vẻ cười đùa, nói chuyện tếu táo. Cái không gian vắng lặng của quán cơm niêu dường như nhộn nhạo hẳn lên. Ba người phục vụ một sảnh quán rộng hầu như hòa vào sự lạc quan ấy của ba người khách, không có cảm giác gì khác ngoài chuyện được vui. Đó có lẽ như là một “điểm son” so với những gì người ta truyền miệng, phủ lên một “màu u ám” trong những câu chuyện ngoài kia.
Tôi không phải quá tự tin khi nói rằng, cuộc trò chuyện rất vui hôm ấy, đã cho chúng tôi một ý thức trải nghiệm rằng: ngoài việc chúng ta trang bị các kiến thức phòng chống lây nhiễm cho mình và người xung quanh, tích cực các hoạt động giúp đỡ cộng đồng bằng những việc thiết thực, thì việc lạc quan vui sống cũng là một liều thuốc rất quan trọng để vượt qua những sự bi quan yếm thế, có khi ở nơi này nơi nọ, có sự sợ hãi quá mức trong hoàn cảnh này.
2. Nhìn vào các phương tiện truyền thông, đọc và biết thông tin, nghe đài truyền hình mô tả, hướng dẫn cách phòng bệnh từng giờ từng phút, chúng ta tất nhiên phải làm theo, để ngăn ngừa sự lây nhiễm. Nhưng với tần số thông tin dày như thế, rất dễ có cảm giác như đang lạc vào… “mê trận”.
Những bộ phim Hollywood mô tả về các loại dịch bệnh mà chưa có vắc xin lúc này trở lại trong hồi ức, lại tạo nên một sự liên tưởng xám xịt, tưởng chừng nhân loại khó thể vượt qua. Nhưng theo thiển ý của tôi, đây là lúc mỗi người sẽ phải đối diện với một suy nghĩ, rằng điều gì đến sẽ đến. Tất nhiên không thể buông xuôi, nhưng cũng rất cần một sự tin tưởng y học thế giới với sự đúc kết kinh nghiệm, ráo riết tìm cách sản xuất vắc xin và cập nhật nhanh chóng kết quả các kiểm nghiệm y tế, rồi sẽ có lối thoát ra khỏi dịch bệnh cho con người. Cũng tâm niệm trong đầu suy nghĩ rằng, mặc nhiên, dịch bệnh là điều không thể tránh khỏi, bởi lịch sử y văn đã ghi lại rất nhiều căn bệnh dịch suốt trong chiều dài lịch sử. Nhưng điều quan trọng là đối phó với chúng ra sao, và qua hàng bao thập kỷ qua, đã chiến thắng chúng như thế nào…
Với cách điều hành vĩ mô hiện nay và ý thức phòng tránh trong mỗi người, mỗi nhà, có thể thấy cả một hệ thống chính trị-xã hội đang chuyển động gấp gáp để bắt kịp “tần số xuất hiện” của virus Corona tại Việt Nam. Những thông tin xét nghiệm âm tính trở lại và cho ra viện những người mắc phải căn bệnh dịch viêm phổi này ở một số bệnh viện tại Việt Nam là một minh chứng lạc quan cho một điều: con người không dễ gì thất bại trong cuộc chiến đang gây ra cơn bão ở nhiều nơi. “Bão lòng” , “bão miệng” cũng đang là một sự khuếch tán nguy hiểm, có nguy cơ ảnh hưởng, dẫn dụ cộng đồng mất đi niềm tin, sự lạc quan vui sống, một điều rất cần thiết cần phải giữ, hiện nay!
3. Ngày thứ hai vừa rồi, tôi nhận được một thông tin về việc có một gia đình bức xúc trước cái cách nâng giá khẩu trang của một số nhà thuốc và tình trạng khẩu trang khan hiếm cho cộng đồng. Họ, tôi cho rằng là những công dân rất có ý thức đã tìm tòi cách làm trên mạng và chạy vào siêu thị mua giấy ăn, kim bấm và sợi thun để về tự làm khẩu trang phát cho mọi người. Suốt 3 ngày, gia đình ấy và một số người láng giềng đã làm ra 3.000 chiếc khẩu trang để đem đến cho cộng đồng. Dù rằng tôi không đồng ý cách làm ấy vì sau khi liên hệ với một phóng viên nhờ tham vấn một bác sĩ có uy tín, ông cho rằng không nên đem phát khẩu trang tự làm vì có thể không đảm bảo vệ sinh trong các công đoạn, nhưng trong thâm tâm, tôi rất nể phục cái nghĩa cử của gia đình ấy. Họ đã hồn nhiên với suy nghĩ giúp đỡ cộng đồng và không chỉ riêng họ, cả một xã hội đang thực hành những việc làm rất tử tế, rất có trách nhiệm công dân: giúp đỡ người khác.
Sự lan tỏa điều tốt đẹp này ngày càng đầy lên trên mặt báo và ở các trang mạng xã hội, đem lại một niềm tin ấm áp. Đó là nghĩa đồng bào với nhau, một khi chúng ta gặp phải một vấn đề cần chung tay tháo gỡ, để rồi một mai khi sóng gió đã qua, người ta lại sẽ nhìn nhau với ánh mắt yêu thương hơn, sau khi đã trải nghiệm một giai đoạn nhiều người vốn cho rằng đó là ngưỡng của sự sinh-tử .
Vì thế, tôi vẫn luôn hy vọng…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.