Du lịch Trường Sa, tại sao không?

06/06/2015 08:36 GMT+7

Tôi rất tâm đắc với bài viết của tác giả Lê Hồng Ngạn Ngữ vừa rồi trên mục Tôi viết của Thanh Niên Online nhân chủ trương mở tuyến du lịch ra Trường Sa.

Tôi rất tâm đắc với bài viết của tác giả Lê Hồng Ngạn Ngữ vừa rồi trên mục Tôi viết của Thanh Niên Online nhân chủ trương mở tuyến du lịch ra Trường Sa.

Các đảo ở quần đảo Trường Sa có biển và bãi cát thoai thoải dài tuyệt đẹp - Ảnh: Mai Thanh Hải

Việc tổ chức tham quan quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã được tính toán từ khá lâu, sau khi Vietnam Airlines đề xuất khoảng đầu những năm 2000, nếu tôi không nhầm. Nếu hồi đó, chúng ta quyết liệt hơn, sự kiện này đã diễn ra chứ không phải là bây giờ mới chuẩn bị triển khai và không chỉ ra đảo bằng tàu biển mà bằng cả máy bay.

Tôi nhớ lần đó, tại một buổi gặp gỡ báo chí, Vietnam Airlines “bật mí" với giới báo chí rằng hãng này mới được phép nghiên cứu dự án mở đường bay thương mại ra Trường Sa, qua đó tạo tình cảm gắn bó giữa đất liền với hải đảo, giữa người dân với cán bộ chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Nhiều cơ quan báo chí trong nước đã công bố thông tin “hot" này. Nhưng sau đó, Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương Đảng triệu tập gấp lãnh đạo những tờ báo, những đài đã đưa tin trên. Cuộc họp xuất phát từ bút phê của một lãnh đạo cấp cao thời điểm đó: ngay bên lề mẩu tin vài trăm chữ trên trang 2 của báo Thanh Niên, vị lãnh đạo có bút phê yêu cầu xác minh thông tin trên xuất phát từ nguồn nào, đặt vấn đề nếu có thì có nên thông tin sớm như vậy không.
Buổi triệu tập gấp hôm đó, ngoài những báo, đài đưa tin còn có các cơ quan có liên quan tới hoạt động tuyên truyền và lãnh đạo Vietnam Airlines. Tôi cũng được triệu tập với tư cách đại diện cho Ban biên tập Báo Thanh Niên. Tôi nhớ có một chi tiết (với báo chí thì khá "đắt") khiến tôi không quên, đó là anh Phạm Ngọc Minh, khi đó là Phó Tổng Gám đốc Vietnam Airlines, đến muộn vài phút trong khi mọi người đã cơ bản đầy đủ. Anh Minh xin lỗi mọi người vì đã tới muộn nhưng hỏi dí dỏm chủ tọa: "Xin lỗi cho hỏi "bên bị" ngồi phía nào ạ?" Mọi người cười ồ, rồi vị chủ trì phiên họp thì cũng vui vẻ, nhẹ nhàng: "Có ai phân biệt như vậy đâu, đồng chí ngồi đâu chả được!"
Buổi họp hôm đó đã được lãnh đạo Vietnam Airline giải thích nguồn gốc tin tức mà báo chí đưa. Anh Phạm Ngọc Minh giải thích, còn mọi người thì đều cho rằng như vậy là có lý và rất chia sẻ: một khi chúng ta đã có chủ trương mở đường bay đưa khách du lịch ra thăm Trường Sa thì cũng phải để người dân trong nước và quốc tế biết sớm để mà tính. Qua đó, hãng cũng có thể thăm dò thái độ của người dân xem có hào hứng không, có nhiều khách không.
Tôi hiểu, bất cứ doanh nghiệp nào họ cũng phải làm như thế, sao có thể “âm thầm kinh doanh" được. Tôi cũng được biết, hiện trên thế giới có những loại máy bay rất tiện ích loại nhỏ, chỉ vài ba chục chỗ. Nó có thể hạ cánh được ở những sân bay có độ dài đường băng cực ngắn, rất phù hợp với địa hình ngoài đảo như Trường Sa của ta. Chỉ có cách ra đảo như vậy mới có thể hấp dẫn du khách. Còn nếu như ra bằng tàu biển, e nhiều du khách không chịu nổi vì say sóng.
Tác giả bài viết Du lịch Trường Sa nên là hoạt động bình thường đã rất đúng khi cho rằng: "Trường Sa của Việt Nam. Chúng ta có bằng chứng lịch sử, có cơ sở pháp lý và có ý chí chính trị, có quyết tâm của toàn dân để khẳng định điều đó. Trường Sa của Việt Nam cũng hiển nhiên như khi nói rằng hang Sơn Đoòng, vịnh Hạ Long là của Việt Nam vậy. Từ điều hiển nhiên đó, việc tổ chức du lịch tới Trường Sa cũng cần được coi là hoạt động bình thường, hiển nhiên của một quốc gia độc lập có chủ quyền.
...Theo tôi, việc Việt Nam chùn tay trong kế hoạch tổ chức du lịch là không nên chút nào và điều này gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Trong các vấn đề quân sự trên biển, chúng ta phải khéo léo, mềm dẻo để tránh xung đột. Đó là chủ trương đúng đắn. Nhưng trong hoạt động kinh tế hợp pháp trên vùng đất, vùng biển mà ta có chủ quyền thì chúng ta cứ phải thực hiện bình thường. Không nên và không được vì sức ép nào đó mà chùn tay, mà tạm hoãn cả. Mỗi một sự chùn tay của ta sẽ được Trung Quốc diễn dịch là hành động nhân nhượng, là thái độ “biết sợ” và họ lại càng được dịp lấn tới, trong khi chính nghĩa thuộc về chúng ta, còn họ lại là kẻ xâm lấn, chiếm cứ biển đảo của chúng ta."
Có lẽ, đó cũng là ý kiến có thể thay cho lời kết của tôi mà không cần nói thêm. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.