Giải mã lá phiếu Quốc hội

16/11/2014 12:05 GMT+7

Cuộc lấy phiếu tín nhiệm hôm 15.11 cho thấy Quốc hội đã làm việc khá nghiêm túc, đánh giá công bằng về chặng đường vừa qua của 50 vị có chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Cuộc lấy phiếu tín nhiệm hôm 15.11 cho thấy Quốc hội đã làm việc khá nghiêm túc, đánh giá công bằng về chặng đường vừa qua của 50 vị có chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.


Các đại biểu Quốc hội bỏ phiếu - Ảnh: TTXVN

>> Công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm 50 lãnh đạo cao cấp

Sau khi được các phương tiện truyền thông công khai số phiếu tín nhiệm của từng chức danh, dư luận cả nước hầu như đều thấy hài lòng bởi nó phản ánh khá chính xác công sức đóng góp của từng vị lãnh đạo sau một năm làm việc. Nó cũng thể hiện trình độ, năng lực của chính các vị đại biểu Quốc hội được cử tri gửi gắm trách nhiệm.

Không có thay đổi nhiều so với năm trước, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đứng đầu bảng xếp hạng lần lượt với 390, 380 và 365 phiếu tín nhiệm cao, nhưng xu hướng tăng dần số phiếu tín nhiệm cao là tín hiệu cho thấy các đại biểu vẫn giữ vững sự tin tưởng của họ đối với ba nhà lãnh đạo này.

Năm nay là năm có nhiều chuyển động tích cực trong khắc phục khó khăn kinh tế xã hội. Công lao này có sự đóng góp không nhỏ của cơ quan điều hành là Chính phủ, điều không thể phủ nhận. Có lẽ chính vì thế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đạt 320 phiếu tín nhiệm cao (64,39% đại biểu), tăng mạnh so với 210 phiếu của năm trước đó.

Song sự bứt phá ngoạn mục cần phải nhắc tới, đó là của 2 nhân vật năm trước bị "chiếu tướng" nặng nhất. Thứ nhất là Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, người đã lội ngược dòng thành công khi có được 323 phiếu tín nhiệm cao so với 88 phiếu năm ngoái. Thứ hai là người đứng đầu ngành giao thông vận tải, ông Đinh La Thăng cũng vươn lên đứng thứ 4 về số phiếu tín nhiệm cao (362 phiếu) so với 186 phiếu năm trước. Bộ trưởng Thăng trở thành nhân vật xem là thành viên Chính phủ được tín nhiệm cao nhất của năm tính theo số phiếu tín nhiệm cao, tiếp đó là Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng với số phiếu tín nhiệm cao rất ấn tượng (356 phiếu, bằng 71,63%), thêm được hàng trăm phiếu so với trước.

Trong lĩnh vực ngân hàng, dù chuyện vay vốn còn chưa thật dễ, nhưng rõ ràng lãi suất cho vay đã hạ thấp đáng kể, đồng thời tỷ giá VND giữ được ổn định, riêng vàng thì không còn cao ngất ngưởng so với thế giới như năm nào. Đó chẳng phải là thành tựu và công sức của lãnh đạo ngành ngân hàng hay sao?

Ở ngành giao thông vận tải, người dân có ấn tượng mạnh về lối đốc chiến quyết liệt của Bộ trưởng Đinh La Thăng, cần thiết thì "trảm tướng" tức thì để đuổi kịp tiến độ, khó đâu gỡ đó. Cách làm của Bộ trưởng Thăng khiến toàn ngành luôn chóng mặt khi vào guồng, nhưng rõ ràng đã được việc, nào là tiến độ xây dựng sân bay Đà Nẵng, nào là tiến độ xây dựng quốc lộ 1...

Khi xảy ra sự cố xe giường nằm trên tuyến Sa Pa - Lao Cai khiến trên ba chục người chết, ngay trong đêm, ông Thăng đã đến tận nơi để kịp thời chỉ đạo. Gần đây là chuyện "quên" làm đường dân sinh trên đường mới cầu Nhật Tân - Nội Bài (Hà Nội), Bộ trưởng xuống tận nơi nghe dân kêu cứu, "đe" cách chức những người liên quan nếu để dân tiếp tục bức xúc do cách làm quá thiếu trách nhiệm. Chỉ sau 5 ngày, dân đã có lối ra đồng làm ruộng khỏi phải đi vòng sang xã khác. Những chuyện đó, đại biểu Quốc hội biết, dân cũng rất biết.

Chuyện Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh chấp nhận "tự lấy đá ghè chân mình", xóa bỏ cơ chế xin - cho, tự đề xuất và xin bớt đi quyền lực của ngành mình để cho địa phương, cho doanh nghiệp dễ thở hơn cũng đã giúp cho lá phiếu tín nhiệm cao của ông Vinh tăng vọt hơn năm trước (351 phiếu, bằng 70,62%) và số phiếu tín nhiệm thấp cũng ít đi tới trên 50%...

Tất cả đều có lý do của nó, các đại biểu Quốc hội đã rất công bằng.

Ba thành viên Chính phủ có số phiếu tín nhiệm cao ít nhất và phiếu tín nhiệm thấp (TNT) nhiều nhất là Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (38,63% TNT), Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh (31,59% TNT) và Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình (30,99% TNT). 

Người dân không phải không có sự chia sẻ, cảm thông với các vị này. Song có lẽ chính các vị cũng đều thấy mình vẫn chưa làm hết sức. Người thì đề xuất những dự án, công trình thiếu thực tế, người chưa có giải pháp khắc phục bộ máy nhà nước quá cồng kềnh, hoạt động ít hiệu quả, người còn để dịch bệnh đe dọa sức khỏe người dân, chậm phản ứng khi có sự cố. Và chính vì vậy họ mất điểm trong mắt các đại biểu thay mặt cho cử tri bỏ lá phiếu nhận xét về họ.

Thời gian từ nay cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13 không còn nhiều. Song vẫn chưa muộn nếu các vị tư lệnh ngành biết "tự chỉ trích" (nói theo lời Bác Hồ dạy trước đây) nhằm khắc phục khẩn trương những hạn chế trong lĩnh vực mình phụ trách. Bên cạnh đó, những gì họ đã làm tốt thì xã hội cần kịp thời ghi nhận để kỳ đánh giá tiếp theo sẽ chính xác hơn nữa, trở thành một hoạt động sát hạch định kỳ không thể thiếu trong ngay chính cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

Hành Thiện (*)

(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, nhà báo sống và làm việc tại Hà Nội

>> Quốc hội bầu bổ sung lãnh đạo các cơ quan của quốc hội
>> Công khai kết quả bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh Quốc hội bầu
>> Quốc hội bầu lãnh đạo, ủy viên các hội đồng, ủy ban

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.