Khai Ấn đền Trần, nghĩ về sự dịch chuyển tâm thế người Việt

13/02/2014 09:10 GMT+7

(TNO) Hàng năm, cứ đến 14 tháng Giêng là người dân lại đổ về Nam Định, đi lễ đền Trần , thắp hương, xin ấn, cầu công danh, tài lộc.

>> Khai ấn đền Trần vẫn là lễ của quan
>> Chỉ 100 người được dự lễ khai ấn đền Trần
>> Từ chuyện khai ấn đền Trần...
>> Lễ khai ấn đền Trần: Xe công vẫn ầm ầm đi lễ
>> Lễ hội Khai ấn đền Trần: 'Muốn không bị ép giá thì phải vào dịch vụ của ban tổ chức
>> Giám đốc Sở VH-TT-DL Nam Định Đỗ Thanh Xuân: "Không ai ra lệnh cấm khai ấn đền Trần

Tục thờ Đức Thánh Trần đã có từ rất lâu trong dân gian, mà trung tâm là Nam Định (theo Đại Nam thần lục, biên soạn khoảng giữa đời Tự Đức, đến giữa thế kỷ XIX cả nước có 27 đền thờ Trần Hưng Đạo thì Nam Định đã có tới 15 đền). Ngày xưa, việc thờ phụng ngài không hoàn toàn giống như bây giờ!

Trong tâm thức của người Việt, Đức Thánh Trần rất oai linh song cũng rất gần. Ban thờ ngài có ở trong nhiều gia đình, nhất là những gia đình quyền quý, danh vọng. Còn đối với giới bình dân, dù không có điều kiện lập ban thờ Đức Thánh Trần, song ngày sóc, ngày rằm, họ vẫn hay lui tới cửa ngài. Tới cửa ngài, người xưa chỉ có mấy việc: kêu oan, thề bồi và xin trừ tà, khỏi bệnh.

Việc kêu oan, thề bồi là do trong tâm thức của người Việt, ngài là người hiển linh thấu suốt. Cũng trong tâm thức của người Việt, ngài là người đạo đức cao cả vả nghiêm khắc. Cho nên người ta tin rằng chẳng ai dám lường gạt, gian trá trước cửa ngài, còn những người có oan khuất thì ngài sẽ thần thông hóa giải giúp cho.

Một việc khác khiến người xưa năng tới cửa ngài là: họ tin rằng ngài có phép trị bệnh và trừ tà ma. Nguồn gốc của niềm tin này cũng khá ly kỳ.

Tương truyền, khi còn sống, ngài có lần chém đầu tên Việt gian Phạm Nhan - kẻ có nhiều phép thuật. Tên này chết, thây xác hóa ra ruồi muỗi, đỉa và vắt, chuyên truyền nhiễm những bệnh ôn dịch. Linh hồn y lại hay lởn vởn ám người và trêu phụ nữ. Vì thế, hễ cứ mắc các chứng ôn dịch hay bị “ma ám” thì đến cầu xin cửa ngài, ngài sẽ trấn áp được linh hồn Phạm Nhan và người dân khỏi bệnh.

Vậy đấy, nội dung cầu xin của người xưa khi đến cửa ngài chỉ có thế. Nó cho ta thấy cái tâm thức hồn hậu mà giản đơn của người Việt xưa. Họ phần lớn chỉ cầu xin khi có sự oan khuất, sự bất bình hay khi gặp vận rủi. Và họ rất thành khẩn.

Bẵng đi một thời gian dài việc thờ cúng Đức Thánh Trần lắng xuống bởi những lý do khác nhau. Rồi tới quãng những năm 90 của thế kỷ trước, người dân trong Nam ngoài Bắc lại đổ về Nam Định, về đền Trần dịp đầu năm để dự lễ Khai Ấn, để xin lộc, cầu công danh, cầu tiền tài…

Và tới đầu thế kỷ 21 thì lễ Khai Ấn đền Trần đã trở nên quá tải khiến nhà chức trách phải có biện pháp can thiệp, nhằm đảm bảo an toàn cho nhân dân.

Khai Ấn đền Trần

Khai Ấn đền Trần
Lực lượng chức năng làm nhiệm vụ để đảm bảo an toàn tại lễ Khai Ấn đền Trần ở Nam Định - Ảnh: Hoàng Long

Nói tới đây, sẽ có người bảo rằng tôi “đánh tráo khái niệm”, rằng đền Trần ở Tức Mặc thờ cả các vị vua Trần chứ đâu chỉ có ngài. Xin thưa: trong tâm thức dân gian, Đức Thánh Trần và triều đại nhà Trần không có nhiều khác biệt. Ngài là đại diện cho sự hùng mạnh, trí tuệ và đạo đức của các vị anh hùng triều Trần. Trong tâm thức dân gian, đi lễ đền Trần trước hết là phải lễ Đức Thánh Trần!

Lễ khai ấn đầu năm ngày xưa cũng không như bây giờ. Trong hàng trăm năm, việc hành lễ khai ấn chỉ được tổ chức ở quy mô rất nhỏ, giới hạn trong những hậu duệ nhà Trần vẫn còn sinh sống trên quê hương Tức Mạc.

Ngày nay, nhìn vào biển người chờ trực, “chen vai thích cánh” cả đêm trước cửa đền, có một số điều đáng bàn. Họ chờ trực để được vào đền xin ấn với mong muốn năm mới thuận lợi trong công việc. Người “làm quan” thì cầu xin thăng quan tiến chức. Người kinh doanh thì cầu xin nhất bản vạn lợi, lộc tới đầy nhà. Những lời cầu khẩn rất “hoành tráng” chứ không còn có cái thành khẩn, cái an phận thủ thường như xưa.

Khai Ấn đền Trần

Khai Ấn đền Trần
Lễ Khai Ấn đền Trần ở Nam Định hàng năm luôn luôn quá tải - Ảnh: Hoàng Long

Rõ ràng tâm thế người Việt bây giờ chủ động hơn, tích cực hơn so với ông bà ta xưa, những người chỉ cầu mong mưa thuận gió hòa, cầu mong không ốm đau bệnh tật, không oan trái, tai họa. Nhưng dường như người Việt giờ cũng tham lam hơn các cụ xưa ít nhiều.

Bích Hạnh

* Bài viết thể hiện góc nhìn và văn phong của tác giả, là cán bộ làm việc tại một cơ quan nhà nước thuộc tỉnh Vĩnh Phúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.