Không hoan nghênh

03/08/2018 05:12 GMT+7

Như Thanh Niên nhiều lần phản ánh, các sàn giao dịch thương mại điện tử như Lazada, Shopee… rao bán không ít sản phẩm có dấu hiệu bất minh. Thế mà, tình trạng này vẫn cứ “trơ gan” tồn tại.

Và nay, không chỉ trở thành nơi giao dịch hàng hóa có dấu hiệu giả, nhái mà cả các vật phẩm mang tính tuyên truyền phi pháp với bản đồ “đường lưỡi bò” cũng được giới thiệu bán trên Shopee như đã được đề cập trong bài viết “Đường lưỡi bò” chễm chệ trên đồ chơi giáo dục mà Báo Thanh Niên đã đăng ngày 2.8.
Từ đó nhìn lại, một số sàn giao dịch điện tử của các tập đoàn nước ngoài đổ bộ vào VN tuy có góp phần đẩy mạnh xu hướng kinh doanh hiện đại, nhưng cũng đang biến tướng thành kênh bán hàng chẳng khác gì hình thức tiểu ngạch ở vùng biên giới. Hàng thiếu xuất xứ rõ ràng, hàng giả hàng nhái cứ ngày ngày xuất hiện nhan nhản rồi được rao bán, giao hàng trên khắp cả nước. Thực tế này đặt ra nguy cơ VN bị biến thành nơi tiêu thụ hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Cứ thế, các mạng lưới bất minh thậm chí còn được tận dụng để truyền bá những sản phẩm phục vụ mưu đồ bá quyền phi pháp, mà cụ thể ở đây là các món đồ chơi giáo dục của trẻ chứa bản đồ “đường lưỡi bò” do Trung Quốc ngang ngược đưa ra bất chấp luật pháp quốc tế.
Điển hình là câu chuyện của Shopee khi rao bán các sản phẩm có nội dung xâm hại chủ quyền VN. Không những vậy, sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh rồi khẳng định “các sản phẩm bản đồ cắm cờ đã được gỡ bỏ”, thì đến chiều qua (2.8), một số sản phẩm dạng này vẫn hiện diện trên trang Shopee, những hình ảnh bản đồ vi phạm chủ quyền VN vẫn còn nguyên. Phải chăng, đó là sự thách thức công luận?
Trong nền kinh tế toàn cầu có tính hội nhập ngày càng cao, việc các doanh nghiệp nước ngoài xuất hiện tại VN là một tất yếu, tạo nên sự đa dạng, tăng tính cạnh tranh. Nhưng thực tế thì không phải doanh nghiệp nào cũng thực sự kinh doanh đàng hoàng. Và đối với những doanh nghiệp không đàng hoàng, những doanh nghiệp chỉ đem đến các mặt hàng bất minh, lại còn tiếp tay để tuyên truyền xâm phạm chủ quyền thiêng liêng của dân tộc, thì chúng ta cần đưa ra thông điệp “không được hoan nghênh” - như ngôn từ ngoại giao thường được chính phủ các nước dùng khi “trục xuất” các nhà ngoại giao nước ngoài đến nước sở tại phá rối.
Thông điệp đó cần được tiến hành bởi các cơ quan chức năng dựa trên pháp luật, đồng thời cũng có thể được thực hiện bởi chính những người dân bằng cách “không mua hàng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.