Không nên vội kết tội người mua hàng xa xỉ

08/10/2014 10:45 GMT+7

Bài báo 'Chiếc túi xách Hermes 1,6 tỉ đồng và những chuyện chỉ có ở xứ ta' vừa xuất hiện trên một tờ báo mạng đã làm nổ ra một cuộc tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội facebook.

Bài báo “Chiếc túi xách Hermes 1,6 tỉ đồng và những chuyện chỉ có ở xứ ta” vừa xuất hiện trên một tờ báo mạng đã làm nổ ra một cuộc tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội facebook về chuyện mua sắm hàng xa xỉ.


Không nên vội kết tội người xài hàng xa xỉ - Ảnh: Việt Pose

Có bạn dẫn đường link bài báo này với lời bình: “Xã hội bây giờ lắm người giàu nhỉ?” thì lập tức có bạn trả lời: “Tiền hối lộ, tiền trai bao thì xài kiểu gì chả được!”. Một bạn khác đặt câu hỏi: “Tại sao không dùng tiền đó vào việc có ích hơn?”. Không hiểu sao, khi nhìn một người mua hàng xa xỉ, đi xe sang… thì không ít người tỏ ra dị ứng và miệt thị họ, điều này có đúng không?

Ý kiến của ai đó cho rằng đồng tiền mua túi xách có nguồn gốc không minh bạch và có thể là “tiền tham nhũng” có vẻ là một sự áp đặt chủ quan. Tại sao không nghĩ đó là những doanh nhân đã vất vả cả đời để tạo dựng nên công ty, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm, hàng ngàn người lao động và họ có quyền xài hàng hiệu để khẳng định giá trị của bản thân trong các cuộc họp làm ăn với đối tác nước ngoài? Tại sao không nghĩ ý thích tiêu dùng hàng cao cấp của một số ít người đã thúc đẩy nền kinh tế phát triển và tạo công ăn việc làm cho những người tạo ra mặt hàng đó?

Nhân bài báo này, tôi cũng thấy quan điểm lâu nay của không ít người là cứ thấy ai mua đồ hiệu, xài hàng sang là dè bỉu: “Tiền đâu mà tiêu hoang thế, chỉ có tiền trên trời!”. Hoặc nghi ngờ với tâm lý ganh tị: “Chắc là hàng nhái, hàng dỏm thôi!”. Cũng không thiếu những lời bình luận kiểu như: “Có tiền nhiều sao không đi làm từ thiện?” .

Thực tế, không phải ai đi làm từ thiện cũng la lên cho nhiều người cùng biết cùng thấy. Vì thế, đừng vội kết luận những người xài hàng hiệu, đi xe đắt tiền là những người thiếu lòng nhân. Cũng đừng vội kết luận những ai luôn khoe hình ảnh mình đi làm từ thiện chỗ này chỗ kia là người tốt, bởi trên thế giới không hiếm những phát hiện cơ sở từ thiện này, trung tâm từ thiện nọ... thực chất chỉ là buôn bán trẻ em hoặc che giấu việc làm ăn phi pháp nào đó.

Trong cuộc sống, tôi biết có những doanh nhân giàu có luôn dành những khoản tiền lớn để cải thiện cuộc sống của người nghèo ở những vùng sâu vùng xa nhưng lại không bao giờ đưa thông tin đó lên mặt báo. Bởi thế, nếu trong những cuộc thương thảo với đối tác nước ngoài, họ có thắt dây lưng Hermes, đi xe Mercedes… thì cũng là điều bình thường. Các nhãn hàng xa xỉ luôn có khách hàng riêng của nó và thị phần của nó luôn luôn rất nhỏ so với thị phần của các nhãn hàng trung bình và bình dân. Đó cũng là lẽ công bằng.

Nên nhìn vào mặt tích cực của những nhãn hàng hiệu là sự đẹp đẽ sang trọng của nó đã tạo ra niềm mơ ước và khát khao của không ít người, từ đó họ có động lực làm việc để có ngày có đủ tiền sở hữu nó. Chính mơ ước cải thiện điều kiện vật chất của con người mà xã hội loài người phát triển như ngày nay. Vì thế, nếu chưa đủ sức tiêu dùng hàng hiệu thì cũng đừng đả kích những người mua nó.

Cuộc sống vốn dĩ đa dạng, nên cần có nhiều góc nhìn khác nhau, trong đó sự tôn trọng những khác biệt trong cách sống và cách tiêu dùng của mỗi người là điều cần thiết.

Văn Minh (*)

(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một giáo viên dạy Anh văn tại TP.HCM

>> Nhập khẩu hàng xa xỉ tăng mạnh
>> Việt Nam nhập siêu chủ yếu vì hàng xa xỉ
>> Những món hàng xa xỉ nhất năm 2010
>> Người giàu Trung Quốc chi 15,6 tỉ USD để mua hàng hiệu
>> Giới trẻ và cuộc đua hàng hiệu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.