Lo lắm thay thứ 'văn hóa' bản năng

23/04/2015 09:21 GMT+7

Trèo rào công viên nước, chen lấn để được miễn phí...tắm. Thật khó tưởng tượng khung cảnh hãi hùng này lại lồ lộ nơi thủ đô ở một thế kỷ mà nhân loại đang hướng tới những giá trị nhân bản nhất.

Trèo rào công viên nước, chen lấn để được miễn phí...tắm. Thật khó tưởng tượng khung cảnh hãi hùng này lại lồ lộ nơi thủ đô ở một thế kỷ mà nhân loại đang hướng tới những giá trị nhân bản nhất.

Trèo rào công viên nướcChỉ một chút lợi mà người ta quên sự nguy hiểm và lòng tự trọng - Ảnh: Bảo Bảo
Thế mà nó lại làm buốt lòng mỗi chúng ta khi phải chứng kiến cũng như xem lại trên clip, trên ảnh. Nhìn ở góc nào cũng thấy có chuyện. Chuyện xưa, chuyện nay, chuyện cũ, chuyện mới.
Này nhé, chuyện xếp hàng hỗn tạp, mạnh ai nấy chen miễn là thỏa mãn cá nhân. Bất chấp tất cả giẫm đạp tranh cướp hoa ngày hội hoa, cướp ấn Đền Trần, "cướp có văn hóa" ở một số lễ hội, hôi bia, xô đổ cổng trường... Miếng mồi ngon không dành cho những ai chậm chân. Chen lấn từng mét đường, hơn thua từng lời nói, sự nhường nhịn, sẻ chia trở nên xa xỉ hơn bao giờ hết...
Giờ ngay cả những chỗ sang trọng, cần sự ngay ngắn, người ta cũng chen ngang giành giật. Xếp hàng ở xứ ta, nhiều khi lại bị vận dụng rất "tài tình" "uyển chuyển". Sợ nhất là những người năng lực kém nhưng lại giỏi chen. Họ chen theo lối tắt, cửa sau để chạy biên chế, chức vụ, chạy thành tích, chạy thi đua..., sao mà dễ chui lọt đến thế.
Này nhé, tâm lý đám đông, kém miếng khó chịu, bon chen, thấy người ta được, mình cũng phải được; thấy người ta có ý kiến, mình cũng phải hùa theo... Hiện đang tồn tại một thứ văn hóa "giẫm đạp". Người ta giẫm đạp lên tất cả để giành giật miếng lợi cho mình. Ở công viên nước là chuyện lộ thiên ban ngày ban mặt. Còn bao giẫm đạp ẩn tiếng; bao giẫm đạp giấu hình, dùng chiêu trò, thủ đoạn để loại bỏ nhau, hất cẳng nhau... Nịnh ai thì xúm xít tung hô, dựng tô tượng đài; chửi ai thì bầy đàn rỉa rói, vùi dập chân dung. Ào theo hiệu ứng đám đông vì cái lợi. Danh hiệu, tiền thưởng luôn dành cho cá nhân. Nhưng khi dính đến trách nhiệm thì lại đổ cho khách quan, tập thể. Một vòng quay tít mù của những bè nhóm lợi ích đã đẩy những cá thể tích cực khỏi cuộc chơi.
Nhiều góc nhìn nhưng thấy tựu trung một từ thật rõ hiện lên: Giáo dục. Đó có thể là căn nguyên chính của những suy đồi, những thứ "văn hóa" quái thai, vừa đáng thương vừa đáng trách.
Một đứa trẻ ra đường thấy bố mẹ không đội mũ bảo hiểm, chen ngang leo hàng rào; đến trường thấy cô giáo chỉnh sửa điểm vì thành tích, "dạy" cách nói dối..., đứa trẻ đó tất yếu sẽ "thụ hưởng" những thành quả của một nền giáo dục như thế.
Hãy dạy những công dân tí hon ngay từ lúc còn chập chững những bài học đầu tiên về sự nhường nhịn, về tính kỷ luật khi sinh hoạt trong cộng đồng. Sự ích kỷ sẽ đồng nghĩa với dòng thác chen lấn, xô đẩy, lấn hàng, lấn lối, đồng nghĩa với tư duy đẩy trách nhiệm sang người khác.
Với tôi, chả có gì sốc và ngạc nhiên. Có chăng tôi chỉ thấy lo ngại cho những người dám lao theo mấy cái lợi nhỏ để bị liệt vào những phần tử mà hành vi chỉ có ở thời kỳ đồ đá.
Những đám đông chen lấn, phá bung lối thoát để đưa nhau vào mớ bùng nhùng của một thứ "văn hóa" bản năng. Đáng lo và đáng buồn lắm thay!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.