Những vết thương và nỗi sợ hãi

04/11/2016 14:31 GMT+7

Đứa con gái 7 tuổi của tôi trở về với những vết thương trên tay và chân, con khóc vì sợ hãi và khóc vì đau.

Đoạn đường qua nhà bạn mượn sách chưa đến 200 mét, nhưng con chạy, con chạy vì con sợ, và vì chạy nên vấp té.
Khi ngồi rửa vết thương cho con, tôi tự hỏi mình có phải những vết thương này do chính tôi đã gây ra, tôi gieo nỗi sợ hãi vào đầu đứa con 7 tuổi của mình mỗi ngày. Từ nhỏ, đi đâu cũng có mẹ đi kèm, giờ lớn một chút, nhà bạn lại gần, tôi cho con tự đi. Nhưng những bước chân run rẩy của con bước ra đường khiến con không vững.
Tôi bảo, con cẩn thận với người lạ lại sát con để hỏi han hay cho kẹo bánh, có thể họ là người xấu. Tôi bảo, có những kẻ chẳng cần cho con kẹo bánh, họ có thể bắt và bỏ con lên xe... Tôi đã bảo ... Cứ mỗi ngày đọc báo, ở đâu đó trên đất nước này có những vụ bắt cóc, hiếp, giết trẻ em, tôi cũng nghĩ tới con mình, tôi sợ hãi, và vô tình tôi gieo sự sợ hãi đó vào con

Tôi bảo, con để ý những chiếc xe máy trờ sát đến người con, có thể họ là người xấu. Tôi bảo, con cẩn thận với người lạ lại sát con để hỏi han hay cho kẹo bánh, có thể họ là người xấu. Tôi bảo, có những kẻ chẳng cần cho con kẹo bánh, họ có thể bắt và bỏ con lên xe... Tôi đã bảo ... Cứ mỗi ngày đọc báo, ở đâu đó trên đất nước này có những vụ bắt cóc, hiếp, giết trẻ em, tôi cũng nghĩ tới con mình, tôi sợ hãi, và vô tình tôi gieo sự sợ hãi đó vào con.
Nó 7 tuổi, bước ra đường và tự đi bộ 200 mét, nó hoảng hốt vì ngoài đường tất cả đều là người lạ, nó sợ hãi vì tất cả những chiếc xe đều chạy ngang qua nó. Thì 200 mét cũng là quá dài, nó phải chạy cho mau đến. Và khi ngã xuống, trầy trụa chân tay và máu chảy, nó vẫn cố đứng lên chạy, bởi trên đường cũng chỉ có người lạ...
Cái kỹ năng duy nhất mà tôi có thể dạy con là chạy và kêu cứu khi con cảm thấy có điều gì đó không an toàn. Nhưng có lẽ, tất cả những thứ trên đường đi của con đều không an toàn, bởi một đứa trẻ trước khi bước ra đường, đã bị mẹ nhồi nhét vào đầu bao nhiêu điều tiêu cực ngoài kia. Giống như một người lớn muốn cuộc sống mình yên ổn an toàn, sẽ không dám ra khỏi biên giới để đến một đất nước mà hàng ngày có quá nhiều bất ổn như đói khát, cướp bóc hay chiến tranh.
Tôi có sai ở đâu không?
Tôi vẫn dạy cho con kỹ năng để sống, nhưng nó vẫn sợ hãi, đúng hơn là tôi đang quá sợ hãi và đẩy nỗi sợ đó sang con mình.
Tôi tự hỏi mình mà không có câu trả lời, bao giờ thì tôi mới được thảnh thơi dạy con rằng nó phải tự đi bằng đôi chân của nó, và ngoài kia hoa nở chim hót, mặt trời lên rồi mặt trời lặn, mọi thứ thanh bình lắm, tôi cần phải bảo nó rằng, con người ngoài kia, dù lạ hay quen đều là người tốt, chỉ cần con nói con cần giúp đỡ, ai cũng có thể giúp con...
Nhưng với người mẹ sống giữa bốn bề bất an và nguy hiểm như tôi, bao giờ tôi được phép dạy con mình như thế? Khi ngoài kia, cứ mỗi ngày có bao nhiêu đứa trẻ bị bắt cóc, bị tai nạn giao thông, bị những hiểm họa mà chính họ không bao giờ lường trước được?
Những vết thương hôm nay là bằng chứng của một quá trình sợ hãi rất dài mà không chỉ con tôi, tất cả những đứa trẻ khác đều được dạy như thế để tự bảo vệ cho mình, mục đích rất hay ho là để trẻ tự vệ, nhưng bao nhiêu đứa trẻ có thể tự vệ, hay chỉ mang một ý nghĩ đen tối trong đầu: xã hội ngoài kia ác lắm?
Tôi phải dạy con thế nào đây?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.