Đi xe lên vỉa hè - văn hóa giao thông ở đâu?

12/11/2014 17:10 GMT+7

Hành vi 'leo' xe lên vỉa hè để đi là tình trạng thường gặp phải. Đáng buồn hơn khi hành vi ấy lại bắt gặp nhiều ở giới thanh niên, người làm công sở - những người vẫn thường được gọi là 'dân tri thức' trong xã hội.


Tình trạng “leo” xe lên vỉa hè để đi gần như trở thành thói quen của không ít người - Ảnh: Nguyễn Việt

Những năm gần đây, khi lưu thông trên những con đường ở TP.HCM, kể cả những con đường đẹp ở một số quận trung tâm thành phố, không khó để bạn bắt gặp hình ảnh nhiều người tham gia giao thông có những hành vi thiếu văn hóa giao thông: "leo" vỉa hè mà đi.

Tình trạng “leo” xe lên vỉa hè để đi gần như trở thành thói quen của không ít người. Khi tín hiệu đèn đỏ bật sáng, vì lượng phương tiện tham gia giao thông trên đường tại TP.HCM nhiều nên người tham gia giao thông thường phải đợi thành hàng dài trên đường. Với việc muốn rút ngắn thời gian đến nơi, không thích phải đợi trong thời gian tín hiệu đèn đỏ và muốn đi trước những phương tiện khác đang đợi tín hiệu đèn, không ít người tham gia giao thông đang đi trên đường khi ấy đã “leo” xe lên vỉa hè để có thể tiếp tục đi được.

Trong những giờ cao điểm của thành phố, khi mà lượng phương tiện tham gia giao thông trên đường nhiều, xảy ra ùn tắc... thì hiện tượng trên xảy ra càng nhiều hơn. Với những đoạn đường mà vỉa hè và mặt đường cách nhau về độ cao rất bé thì dễ hiểu. Nhưng có những đoạn, mặc dù vỉa hè đang cao hơn so với mặt đường gần 20 cm, khi có tín hiệu đèn đỏ hoặc trên đường đang xảy ra ùn tắc nhỏ, nhiều xe máy cũng không chần chừ mà "linh hoạt" xử lý tình huống bằng cách lên ga mạnh - cố cho xe lên vỉa hè để đi.

Có xe đang cố “leo” nửa chừng, xe quay ngang với đường, lên cũng khó, xuống cũng khó thì tín hiệu đèn giao thông chuyển sang xanh... và thế là chiếc xe ấy lại gây ra ùn tắc cho những xe khác. Không ít trường hợp, người đang đi bộ hay đang đứng trên vỉa hè đang không chú ý thì bất chợt xe máy phóng tới khiến họ giật mình hốt hoảng.

Thực tế, tình trạng “ leo” xe lên vỉa hè để đi không phải là ít. Tuy nhiên, những trường hợp ấy rất ít khi bị cảnh sát giao thông “hỏi thăm” và càng có nhiều người tham gia giao thông vẫn ngày ngày... “leo”. Hành động này dần trở thành phản xạ quen thuộc của không ít người.

Việc vi phạm luật an toàn giao thông của hành vi trên có lẽ không cần bàn cãi. Bên cạnh đó, việc đi xe trên vỉa hè còn gây ra tình trạng lộn xộn, mất thẩm mỹ trong giao thông. Người nước ngoài nhìn vào họ sẽ đánh giá ra sao về văn hóa giao thông của người Việt Nam...?

Xã hội ngày càng phát triển, một trong những hành động nhỏ bé góp phần gìn giữ và đóng góp cho sự phát triển đó đôi khi chỉ đơn giản là việc mỗi cá nhân hãy có ý thức khi tham gia giao thông. Hãy là một người tham gia giao thông có văn hóa, xây dựng cho mình thói quen văn hóa giao thông.

Xây dựng văn hóa giao thông nhằm tạo nên thói quen cư xử có văn hóa, đúng pháp luật; coi việc tự giác tuân thủ pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông như một chuẩn mực đạo đức và là biểu hiện văn minh của con người khi tham gia giao thông.

 Nguyễn Việt*

* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một người dân sống và làm việc tại TP.HCM

>> Xe biển xanh rao bán trên vỉa hè
>> Vỉa hè và quyền được sống văn minh
>> Vỉa hè của ai?
>> Văn hóa giao thông: Bất chấp đèn đỏ!
 >> Văn hóa giao thông: Thanh niên tình nguyện bị lăng mạ khi chỉ dẫn giao thông
>> Văn hóa giao thông: Ám ảnh còi xe Hà Nội

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.