Tết Tây và Tết Ta

03/01/2014 17:00 GMT+7

Khoảng hai năm gần đây, khi tết Ta sắp tới lại có những ý kiến nên dồn hai tết nhằm tiết kiệm thời gian và gia tăng năng suất trong toàn xã hội. Các lý do đưa ra như để giảm thời gian làm việc nửa vời trước hai kỳ lễ, gia tăng năng suất cá nhân...


Lễ hội đón Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 ở TP.HCM - Ảnh: Nguyên Trương

Các ý kiến đó đáng quý vì xuất phát từ ý muốn làm cho dân tộc Việt Nam tốt hơn tuy nhiên không một vấn đề nào không có những mặt trái của nó. Để có thể hợp lý hóa ngày nghỉ tết, lễ chúng ta cần có nhiều góc cạnh suy ngẫm trước khi quyết định một việc ảnh hưởng tới gần 90 triệu dân Việt nam.

Lý do chủ yếu đưa ra dồn hai tết là gia tăng năng suất cá nhân. Chúng ta hãy thử cùng tính chi tiết và phân tích về thời gian. Một cá nhân đi làm việc sẽ có khoảng 266 ngày làm việc trong năm (tính 52 tuần, 5,5 ngày làm việc, 8 ngày lễ và 12 ngày phép năm). Quy đổi ra số thời gian làm việc chúng ta có được 2.128 giờ/năm làm việc. Cứ giả sử toàn bộ dân Việt Nam 90 triệu người đều chân trong chân ngoài, không tập trung vào làm việc trước tết hẳn một tuần - 5,5 ngày. Tổng năng suất bị giảm sẽ là 5,5 ngày x 8 giờ/2.128 giờ  tương đương 2%. Vấn nạn năng suất giảm do chuẩn bị lễ tết không xác đáng vì chúng ta đã cho hẳn toàn bộ không làm gì thêm một tuần thì chỉ có ảnh hưởng tới năng suất cuối cùng là 2% - quá nhỏ.

Câu chuyện làm thế nào để gia tăng năng suất thông qua những ví dụ tính rõ ràng của tác giả phản ánh lên bản chất - năng suất thấp do tác phong lãnh đạo, thói quen làm việc, cách tư duy và phối hợp của lực lượng quản lý và lao động Việt Nam trong suốt 98% thời gian làm việc trong năm. Về bản chất việc nghỉ tết lễ hoàn toàn không có liên quan gì tới hiện tượng năng suất thấp của lao động Việt Nam.

Nền kinh tế Việt Nam được chia làm hai phần rõ rệt kinh tế nhà nước và các phần kinh tế còn lại như tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài... Luật quy định 5 ngày làm việc tuy nhiên tại các thành phần kinh tế ngoài nhà nước, thời gian làm việc thật sự vẫn là 5,5 ngày (đi làm nửa ngày thứ 7). Tính quy đổi, số nhân lực Việt Nam trong thành phần kinh tế này sẽ nghỉ ít hơn là 26 ngày trong một năm. Nói cách khác, thời gian nghỉ của thành phần lao động này thực sự ít. Nếu như chúng ta tính thêm áp lực công việc như đã nói ở phần sau, việc nghỉ tết Ta hoàn toàn hợp lý cho thành phần lao động này.

Trong cuộc sống, các lao động trong các thành phần kinh tế không phải nhà nước luôn luôn làm việc tới ngày cuối cùng trước tết Ta. Thói quen chân trong chân ngoài những ngày trước tết hoàn toàn không xảy ra. Thời điểm cận tết Ta còn là lúc áp lực kinh doanh thu hồi nợ, chạy doanh số, quyết toán rất nhiều. Lý do tăng năng suất cho thành phần lao động này là không phù hơp vì chủ doanh nghiệp tư nhân còn quan tâm điều này trong suốt 365 ngày trong năm thay vì một vài ngày tết.

Khía cạnh thứ hai đó là văn hóa tâm linh của người Việt Nam. Người Việt Nam không theo đạo Thiên chúa hẳn cũng như đạo Phật. Trong văn hóa tâm linh của Việt Nam, thờ cúng ông bà tổ tiên là một yếu tố cực kỳ quan trọng. Cộng đồng theo đạo Thiên chúa hàng tuần họ đều có đi nhà thờ vào chủ nhật. Tương tự như vậy, những ai theo đạo Phật có thể lên chùa. Phần lớn người dân Việt Nam của chúng ta chỉ có ngày lễ cổ truyền duy nhất là ngày tâm linh - hướng ông bà tổ tiên. Việc dời ngày lễ cổ truyền cũng tương tự như chúng ta dời ngày Noel của cộng đồng Thiên chúa giáo. Các nước phương Tây vẫn duy trì ngày nghỉ năm mới và ngày Noel cho tôn giáo của họ thì không có lý gì chúng ta lại thay đổi ngày tâm linh của dân tộc. Nhìn rộng ra đạo Hồi, họ có hẳn một tháng cầu nguyện nhưng năng suất của họ vẫn rất cao. Năng suất và ngày nghỉ không có liên hệ với nhau trên thực tế.

Khía cạnh thứ ba đó là việc gộp tết Tây và tết Ta để tạo ra một kỳ nghỉ dài hơi. Như vậy chúng ta có hai chọn lựa: 1 - gộp tết Ta vào tết Tây; 2 - gộp tết Tây vào tết Ta. Giải pháp thứ hai có vẻ thuận lợi hơn khi chúng ta đi làm vào ngày tết Tây như bình thường và nghỉ thêm một ngày tết Ta bù vào. Giải pháp thứ hai cũng đảm bảo yếu tố tâm linh như đã nói ở trên.

Gia tăng năng suất là câu chuyện dài kỳ trong 365 ngày. Chúng ta cần phải có những chương trình giải pháp khác cho nâng cao năng suất trong 2.128 giờ làm việc. Các thói quen cũ trong ngày tết như thăm viếng, tặng quà, tự tay gói bánh chưng, tiêu dùng các sản phẩm cổ truyền đòi hỏi thời gian chuẩn bị nhiều cần được tinh giản tối đa để biến tết ta trở nên hiện đại và đơn giản trong thế kỷ 21.

Làm được như vậy, chúng ta vẫn có thể duy trì ngày tết cổ truyền cùng với năng suất cao trong công việc.

Vũ Tuấn Anh (*)

* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, là Giám đốc Viện quản lý Việt Nam  (Vietnam Institute of Management)

>> Tây ăn tết ta
>> Triển khai tour du lịch Tây ăn Tết ta
>> Khi Tây nghiện Tết ta
>> Tây thích Tết ta
>> Mũi Né tổ chức cho du khách Tây đón Tết ta
>> Làm món tây trong Tết ta
>> Tết ta ở trời Tây
>> Thầy Tây ăn Tết ta
>> Khi Tây đón Tết ta
>> Tây ăn Tết ta
>> Tết tây hay Tết ta?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.