'Thương cho roi, cho vọt': Nguồn gốc của bạo hành?

25/11/2014 17:25 GMT+7

Đã nhiều lần tôi muốn cầm bút viết với hy vọng tiếng nói của mình sẽ thức tỉnh một thầy cô nào đó, một phụ huynh nào đó đang làm khổ những đứa trẻ vô tội.


Nhiều học sinh dù biết chắc không vào được đại học do học lực kém nhưng vẫn
phải đi học thêm vì sức ép của gia đình - Ảnh minh họa: Ngọc Thắng

Hãy nhìn ra xung quanh và tự đặt câu hỏi: Tại sao trong một lớp học các thầy cô luôn chỉ yêu mến những đứa trẻ học giỏi, thông minh mà luôn hắt hủi những đứa trẻ ”hơi chậm” một chút. Kể cả trong một gia đình thì những đứa con thông minh vẫn thường được phụ huynh cưng chiều hơn? Có bất công không khi mà chúng đều là những đứa trẻ ngoan ngoãn, chăm chỉ, cần cù như nhau?

Tôi có mấy đứa cháu họ người Hà Lan rất khác biệt, đứa thông minh xinh đẹp, đứa hơi đần và hơi xấu. Tuy nhiên đứa hơi đần và xấu tôi chưa bao giờ thấy cha mẹ chúng so sánh, ép buộc nó phải học hành như những đứa trẻ khác. Và cậu bé cũng không bị hắt hủi ở trường vì học dốt, chứ không như cháu họ tôi ở Việt Nam rất ngoan, chăm chỉ nhưng học vẫn dốt và luôn bị làm mất điểm thi đua của lớp thậm chí đã bị các bạn tẩy chay nên dẫn đến cháu chán học rồi bỏ học.

Ở Hà Lan, ngay từ năm lớp 5 (tức vào đầu cấp 2) các thầy cô đã tư vấn cho phụ huynh và sắp xếp cho các cháu “học chậm” vào học hướng nghiệp chuyên ngành riêng mà không cần phải có một bộ óc thông minh mới học được. Cháu tôi chọn học nấu ăn. Cứ mỗi lần lũ trẻ đến nhà tôi chơi, cậu bé 12 tuổi, không đẹp,“hơi chậm” và luôn xếp bét lớp trong những năm học tiểu học lại nổi trội hơn hẳn những đứa cháu xinh đẹp thông minh khác vì tài nấu nướng và giúp tôi làm vườn rất tốt. Em chồng tôi bằng tuổi chị họ tôi và cũng không tốt nghiệp đại học mà đã được hướng nghiệp từ nhỏ để trở thành y tá cho một bệnh viện. Cô ấy có một cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc với người bạn trai thứ ba và những thú vui.

Chẳng ai phê phán cô ấy hay so sánh cô ấy với ai cả, hoàn toàn không giống như tôi đã từng thấy mọi người ở Việt Nam phê phán, mỉa mai và nhiếc móc chị họ tôi khi chị ấy không vào được đại học và chỉ là một nhân viên bán hàng bình thường với thú vui hát những bài nhạc sến rất đỗi bình dân, trong khi hai bác tôi đều là giáo sư bác sĩ. Thậm chí có lần về Việt Nam đến nhà bác chơi tôi còn thấy chị bị bác cho “ăn tát” chỉ vì không nghe lời bác một chuyện gì đó rất nhỏ tôi không nhớ rõ, khi đó bà chị họ tôi đã ngoài 50 tuổi mà vẫn cam chịu không dám cãi lại bác một lời! Thật không thể tưởng tượng. Đọc báo thì đâu đó vẫn còn các thầy, các cô cho phép mình bạo hành với những đứa trẻ chỉ vì chúng “học ngu” hay “dám cãi lại thầy cô”.

Cái giáo lý hủ lậu “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi" đó sẽ còn là nguồn gốc của bạo hành trong nhà trường, trong gia đình nếu chúng ta còn cổ vũ nó hay dung túng nó.

Mỗi con người được tạo hóa sinh ra với những bộ óc khác nhau nhưng không vì thế mà họ không được đối xử bình đẳng như nhau. Hãy dẹp bỏ những định kiến xã hội hủ lậu và hãy yêu thương bằng những hành động yêu thương thiết thực chứ không phải bằng roi, bằng vọt, bằng nhiếc móc và hành hạ. Hãy cho những đứa trẻ không có sự thông minh bằng những đứa trẻ khác sự bình đẳng! Hãy thay đổi tư duy cho rằng chỉ có con đường học đại học mới có tương lai mà hãy tìm hiểu thế mạnh sở thích và hướng cho lũ trẻ “học chậm” ngay từ nhỏ một nghề mà chúng có thể tự nuôi sống bản thân và cả gia đình tương lai của chúng sau này! Hãy giáo dục cho những đứa trẻ có tiếng nói riêng và hãy tôn trọng chúng ngay từ khi chúng còn bé!

Phải thay đổi tư duy giáo dục thì chúng ta mới mong thay đổi tương lai một đứa trẻ, một gia đình và một xã hội.

Nguyễn Hải Anh*

*Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một đạo diễn sống ở Hà Lan

>> Phát sóng 'Nhặt xương cho thầy', VTV bị phạt 30 triệu đồng
>> Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam
>> Xúc động tình cảm thầy trò ngày Nhà giáo
>> Hội giảng chào mừng ngày Nhà giáo VN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.