Trào lưu nhắn tin 'em yêu anh': Khao khát điều... bình thường

26/04/2015 19:18 GMT+7

Trào lưu nhắn tin 'em yêu anh' đã được chị em hưởng ứng mạnh mẽ những ngày qua không đơn thuần chỉ là một phép thử mà còn phản ánh rõ nét về đời sống hôn nhân của người Việt đương thời.

Trào lưu nhắn tin “em yêu anh” đã được chị em hưởng ứng mạnh mẽ những ngày qua không đơn thuần chỉ là một phép thử mà còn phản ánh rõ nét về đời sống hôn nhân của người Việt đương thời.

Phản ứng của cánh mày râu khi nhận được tin nhắn “em yêu anh” của vợ - 1
Hình ảnh chụp lại những mẩu tin nhắn trả lời của các ông chồng khi nhận được lời bày tỏ tình yêu của vợ được chia sẻ rầm rộ trên mạng. Bên cạnh một số tin nhắn nói lời yêu thương thì nhiều tin lại là thể hiện sự bất ngờ, hoài nghi, thậm chí “phũ phàng” khiến chị em cụt hứng và nổi cáu.
Phép thử đơn giản này đã thể hiện chân thực nét tính cách của người Việt là ít bộc lộ tình cảm, cảm xúc ra ngoài. Mặc dù trong lòng yêu thương nhau nhưng hạn chế thể hiện bằng lời vì sợ nói “chót lưỡi đầu môi”. Điều bình thường ấy đã trở thành “của hiếm” trong đời sống hôn nhân, nên cách nhắn tin như thế dường như đã tháo được nút thắt dồn nén trong lòng chị em bấy lâu nay.
Ở phương Tây, người ta nói lời yêu nhau hằng ngày, bày tỏ cảm xúc giữa chốn đông người rất dễ dàng mà không cần quan tâm cộng đồng nghĩ gì. Văn hóa truyền thống của người Việt khác ở chỗ đặt cá nhân dưới cộng đồng, hòa tan hạnh phúc cá nhân trong cộng đồng. Nhiều người đàn ông thường có quan niệm lời nói chỉ là hình thức bên ngoài, không nói ra không có nghĩa là không yêu thương, chỉ cần hành động quan tâm vợ con.
Tại sao chúng ta rất dễ nói lời cám ơn, yêu quý với người ngoài xã hội nhưng lại rất khó nói lời ấy với người thân trong nhà, những người gắn bó với ta suốt cả cuộc đời? Khi trò chuyện với tôi về vấn đề này, cô Nguyễn Hồng Mai, giảng viên môn Văn hóa gia đình, Trường đại học Văn hóa Hà Nội đã dẫn 2 câu thơ từng được đọc: “Đừng để có một ngày bỗng nhiên thành câu hỏi. Sao anh không hôn em như những ngày mới cưới?”.
Cô Mai cho rằng nếu không biết “hâm nóng” bằng những lời yêu thương ngọt ngào thì cuộc sống hôn nhân rất dễ cùn đi, trở nên nhàm chán, nhất là trong thời đại công nghiệp hối hả, xô bồ này. Thế nên thật dễ hiểu khi người ta có thể yêu nhau tới dăm bảy năm không chán nhau nhưng sống với nhau dăm bảy tháng đã chán nản, mệt mỏi. Vì người ta không còn điều gì để chinh phục, hấp dẫn nhau nữa. Và thật khó để bắt buộc người ta phải chung thủy với một điều không còn hấp dẫn nữa.
Đàn ông yêu bằng mắt, phụ nữ yêu bằng tai. Dù khó chủ động nói lời yêu hơn so với chồng nhưng người phụ nữ Á đông vẫn khao khát được lắng nghe lời yêu thương từ chồng mình. Lời nói ngọt ngào là cách để củng cố tình cảm đôi lứa. Vì vậy các cặp vợ chồng đừng ngại ngùng nói lời yêu nhau để cuộc sống trở nên hạnh phúc hơn.
Tôi không đồng tình với ý kiến cho rằng việc chúng ta nói lời yêu đương ngọt ngào là học đòi người phương Tây. Đó là điều tất yếu, không thể khác được trong quá trình phát triển của xã hội Việt Nam. Trong buổi giao thời hiện nay, sự bộc lộ cảm xúc của nhiều người vẫn còn ít nhiều nằm trong khuôn khổ, “một chân ở quá khứ, một chân loay hoay bước vào tương lai” như lời cô Hồng Mai chia sẻ.
Do đó, trào lưu nhắn tin bày tỏ “em yêu anh” của chị em sẽ thay đổi một cách nhìn về văn hóa đối với mỗi người Việt. Chúng ta không chỉ hành động mà còn phải nói ra tình cảm chân thành của mình để cho đối tác có thể cảm nhận và cùng chia sẻ, đồng hành trong xây dựng tổ ấm.
Phản ứng của cánh mày râu khi nhận được tin nhắn “em yêu anh” của vợ - Ảnh chụp màn hình
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.