Trường Sa lung linh giữa đại dương

24/11/2015 11:42 GMT+7

Ở nơi đầu sóng ngọn gió Trường Sa, bao thế hệ người Việt vẫn luôn sống quật cường để chủ quyền từng tấc đất quê hương trên Biển Đông được khắc dấu chủ quyền cho lãnh thổ đất nước thêm rộng dài ngút ngàn đến muôn đời sau.

Ở nơi đầu sóng ngọn gió Trường Sa, bao thế hệ người Việt vẫn luôn sống quật cường để chủ quyền từng tấc đất quê hương trên Biển Đông được khắc dấu chủ quyền cho lãnh thổ đất nước thêm rộng dài ngút ngàn đến muôn đời sau.
Xúc động vô cùng khi lần đầu chạm vào cột mốc chủ quyền ở Trường Sa
Lời nhạc thoáng vang của bài hát Sức sống Trường Sa mà tôi tình cờ nghe lại bỗng kéo tâm tưởng tôi bồi hồi về với đất trời Trường Sa. Bài hát này tôi từng được nghe rất nhiều lần trong chuyến ra thăm quần đảo Trường Sa vào tháng 4.2011. Sau này tìm hiểu tôi mới hay là tác giả của những lời nhạc (phổ thơ Đoàn Vũ Vinh) dạt dào tình cảm sâu nặng với Trường Sa là thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175. Tôi nghĩ có lẽ với hơn 30 năm gắn bó cùng biển đảo quê hương, thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn mới có cảm xúc thăng hoa làm xao xuyến bao người như thế. 
Hồi ấy khi đang là phóng viên thường trú ở Bình Định, một hôm sếp Hải Thành bất ngờ gọi điện hỏi có thích đi Trường Sa không. Từng đi tàu biển mà nôn ói đến mức ra máu, tôi thú thật: “Em thích đi nhưng sợ say sóng”. Sếp trấn an: “Anh sẽ gửi em đi chuyến vào tháng 4, trời biển khá êm”. 
Đúng là cứ vào tháng 3, tháng 4 hằng năm, biển trời Trường Sa thường trong veo, phẳng lặng. Với những người vốn bị say sóng biển, nếu được đến với miền biên hải thiêng liêng của Tổ quốc trong khoảng thời gian này, thì cảm giác sẽ khá nhẹ nhàng và sẽ ít bị vùi dập bởi những cơn sóng liên hồi. Theo tàu HQ 996 của Quân chủng Hải quân, sau khi vượt qua hải trình gần 1.000 km trên biển suốt 3 ngày 2 đêm, tôi được đặt chân lên hòn đảo Song Tử Tây xa xôi. Lần đầu tiên trong đời tôi mới có cảm nhận đủ đầy sự rộng lớn, bao la của biển trời đất nước. Bao mệt nhọc vụt tan biến trong tôi và tất cả mỗi người khi tận mắt nhìn thấy lá cờ Tổ quốc tung bay giữa biển cả ngút ngàn. 
Bao khó khăn vất vả, nhưng chiến sĩ Trường Sa vẫn giữ được nụ cười
Các đảo thuộc quần đảo Trường Sa tạo thành một cánh cung kỳ vĩ bao bọc và chở che đất liền từ phía Biển Đông. Trường Sa bây giờ như những thành phố trên biển. Đêm xuống, các đảo rực sáng ánh đèn điện. Cảm giác thật gần gũi khi ngắm nhìn. Bước đi trên đảo mà như ngỡ mình đang ở đất liền thân thuộc vậy. 
Tôi còn nhớ cuộc chuyện trò với anh Trần Văn Thiết. Một thời trai trẻ của anh Thiết gắn bó với Trường Sa, sau đó anh chuyển ngành và công tác ở Ban Tổ chức Trung ương. Lần đầu tiên trở lại quần đảo thân thương, chính anh Thiết cũng rất ngỡ ngàng khi thấy Trường Sa đang từng ngày bừng lên sức sống mới. Anh đọc cho tôi nghe những câu thơ rất ý nghĩa mà đồng đội anh dành tặng cho nhau từ những năm thập niên 90 trên đất đảo: 
Mai bạn về bãi bờ chào đón
 Mai bạn về dẫu phố đông đèn sáng
Đừng quên những ngày bão giông
Những ngày nắng lửa
Mai bạn về hãy nhớ rèn quân, rèn mình
Để mãi là điểm tựa nơi đảo xa... 
Trường Sa ngày trước hầu hết là đảo trần. Cây cối hoang tàn. Nhà cửa thưa thớt, nửa chìm nửa nổi (gọi là nhà hầm vì chỉ có mái nhô lên khỏi mặt đất). Đất đảo chỉ có hoa muống biển, lác đác vài cây phong ba, cây bão táp. Bóng mát trên đảo chủ yếu dựa vào những đàn chim hải âu bay về dày đặc, tối đến kêu rền vang cả một khoảng trời, rúc vào giường ngủ chung với bộ đội. Mùa nắng các đảo thiếu nước ngọt, vì “mặt trời treo trên bầu trời mỗi ngày mười hai tiếng. Có khi nghe nước biển réo sùng sục như sôi”. Những ngọn gió thì “như đã héo mất rồi”.  
Sau “những ngày bão giông” đó là cuộc đổi thay diệu kỳ. Hoa đã tô sắc đất cằn sỏi cát thuở nào ở Song Tử Tây, Trường Sa Lớn, Sơn Ca, Nam Yết... Tôi cảm nhận sự đổi thay diệu kỳ nhờ những người lính hải quân từng gắn bó nơi này, và họ đều xem đất đảo như một phần máu thịt của mình. Để dựng xây miền biên hải, tôi nghĩ tinh thần thép thôi thì chưa đủ, bởi nó không thể nào đương đầu nổi với sóng gió khắc nghiệt - nơi có gần một nửa số ngày trong năm phải chịu bão giông. Sự đổi thay diệu kỳ khởi nguồn từ một tinh-thần-Trường Sa. Chính tinh thần thiêng liêng ấy đã làm cho sức người trở nên vô biên, chế ngự những con sóng bạc đầu, những tia nắng xuyên thấu thịt da, để cùng gieo lên mầm sống mãnh liệt trên những rẻo cát san hô nung bỏng chân trần.
Đêm thắm tình trên đảo
Và tôi thầm nghĩ có lẽ không lời nào có thể lột tả hết được sự diệu kỳ đó của Trường Sa bằng lời bài hát Sức sống Trường Sa:
Màn đêm chớm buông, Trường Sa sáng lung linh giữa đại dương
Màu xanh quê hương chen giữa phong ba đại dương
Đảo vẫn hiên ngang giữa muôn trùng sóng dữ
Có sức người đảo bắt sóng vẽ hoa...
Ở nơi đầu sóng ngọn gió Trường Sa, bao thế hệ người Việt vẫn luôn sống quật cường để chủ quyền từng tấc đất quê hương trên Biển Đông được khắc dấu chủ quyền cho lãnh thổ đất nước thêm rộng dài ngút ngàn đến muôn đời sau. Nhớ lại cảm xúc khi đứng bên cột mốc chủ quyền Trường Sa, tôi cảm thấy mình cũng đang trào dâng niềm tự hào về lãnh hải biên cương rộng dài ngút ngàn của Tổ quốc mình. 
Giữa biển trời bao la, cột mốc chủ quyền uy nghiêm ấy luôn mang đủ đầy hồn thiêng của Tổ quốc Việt Nam. 
Và tôi thầm mong tour du lịch đến với Trường Sa sẽ sớm được tổ chức để cho tất cả mọi người Việt Nam đều có cơ hội trực tiếp cảm nhận đủ đầy hồn thiêng của Tổ quốc mình. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.