Về điều ông Miura thấy 'kinh ngạc' ở Việt Nam

22/12/2014 15:00 GMT+7

Thực ra, vị huấn luyện viên (HLV) người Nhật Toshiya Miura cũng chưa có thời gian dài làm việc với bóng đá Việt Nam. Song, những gì ông trả lời độc quyền với Đài truyền hình Nhật Jsports đã nói lên rất nhiều về sự khác biệt giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Thực ra, vị huấn luyện viên (HLV) người Nhật Toshiya Miura cũng chưa có thời gian dài làm việc với bóng đá Việt Nam. Song, những gì ông trả lời độc quyền với Đài truyền hình Nhật Jsports đã nói lên rất nhiều về sự khác biệt giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Liên quan tới giải bóng đá của Việt Nam, ông đã phát hiện ra rằng cầu thủ của chúng ta rất lười chạy trên sân. Điều  đó cho thấy chất lượng giải đấu của chúng ta không cao. Một trong những lý do dẫn tới điều này, theo tôi là do nền tảng thể lực của cầu thủ Việt Nam còn một lỗ hổng lớn.

miuraHLV Miura thất vọng trong buổi họp báo sau trận thảm bại của tuyển Việt Nam và Malaysia tại SVĐ quốc gia Mỹ Đình - Ảnh: Khả Hòa

Phải chăng, chính điều này khiến vị HLV người Pháp ở Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia lai JMJ, ông Guillaume Graechen đã rất quyết liệt đặt mục tiêu nhồi thể lực trong những ngày tới như một biện pháp tiên quyết để có thể lớp U19 "vừa ra ràng” này đủ sức đá V - League, với yêu cầu mỗi trận đấu họ phải đủ sức chạy 11 - 12 km.

Có lẽ ông thầy Nhật (và cả thầy Pháp) cũng đã phát hiện ra một điều rất phi lý, nó tồn tại ở môi trường thi đấu kém chuyên nghiệp của Việt Nam nhiều năm qua, đó là thời gian thi đấu trên sân là lúc không khí còn rất oi bức. Cầu thủ chạy rất mất sức cũng là phải. Mà nguyên nhân thì thật lãng xẹt: phụ thuộc giờ phát sóng trên truyền hình!?

Ông nói trên Jports rằng: “V - League là giải đấu kinh khủng. Cầu thủ trên sân “không chịu chạy”. Việc điều hành giải đấu cũng lạ .Cầu thủ phải ra sân lúc 17 giờ, rất oi bức vì lệ thuộc vào khung thời gian phát sóng của đài truyền hình”.

Về chuyện liên quan tới trật tự, an toàn giao thông và "luật lệ" kỳ lạ ở Việt Nam, ông Miura kể mà ta nghe cũng thấy "vui vui" nhưng "lạ lạ" làm sao! Ông nói: “Lái xe của tôi từng bị cảnh sát giao thông thổi 5 lần do vi phạm, nhưng lạ ở chỗ, khi anh lái xe xuống và nói: “Ông này là HLV đội tuyển Việt Nam” thì họ cũng cho qua. Ở Việt Nam, xe máy lộn xộn nên tôi được khuyên là không nên đi lung tung. Tôi nghĩ làm HLV đội tuyển Việt Nam quả là đặc biệt thật!”.

Có lẽ ông vừa vui vì "chuyện lạ" này bởi có lẽ chỉ có ở Việt Nam, một vị HLV đội tuyển bóng đá quốc gia đã được mọi người quan tâm tới mức nào, yêu mến tới mức nào, nhất là thành tích thi đấu của đội tuyển làm họ vui thêm. Không khéo trước khi xe của ông chuyển bánh, ông còn được cảnh sát giao thông cười tươi chào cũng nên!? Nhưng cũng "lạ" là bởi điều này không xảy ra ở nước ông, vì luật là luật mà tình là tình, được phân định rất rõ.

Chúng ta đều biết, cuộc sống của người Nhật hôm nay, nếu chúng ta có dịp qua đó và chứng kiến sẽ thấy rất khắc nghiệt. Nhiều khi tôi cũng thấy đáng sợ và đáng nể. Nó như một cỗ máy, "chạy" rất chuẩn về giờ giấc và không ai dám chậm trễ, hoặc nói chuyện tào lao khi đã đến giờ làm việc. Ông Miura kể: “Nếu bữa trưa của người Nhật là mua cơm hộp từ cửa hàng đồ ăn nhanh rồi ăn trong khoảng 15 - 20 phút thì ở Việt Nam, nó thư thả hơn. Nhiều người uống bia trong bữa trưa và sau bữa trưa lại là thời gian ngủ trưa”.

Rồi thì giờ giấc làm việc, dưới con mắt ông, nó cũng kỳ lạ không kém. Ông bảo: “Quy định làm việc ở Liên đoàn Bóng đá Việt Nam là 8 giờ 30 nhưng từ 8 giờ 30 đến 9 giờ, mọi người mới đến chỗ làm. Còn từ 12 giờ đến 14 giờ là thời gian nghỉ trưa. Đến 16 giờ 30 là kết thúc công việc”. Đây là điều mà rất nhiều cơ quan công sở ở Việt Nam cũng thường như thế, nó đâu chỉ ở Liên đoàn bóng đá Việt Nam bởi ông cũng đâu có dịp đến, tìm hiểu?

Ngẫm lại vài mẩu chuyện mà HLV Miura người Nhật mới trả lời trên truyền hình nước ông, tôi thấy nó đều là những câu chuyện rất đáng phải suy nghĩ. Không lẽ chỉ những "chuyện nhỏ" kia mà chúng ta không sửa được sao? Một nền thể thao được coi là hiện đại, một lối sống có trật tự, biết tôn trọng luật pháp và không cho phép bất cứ ai là ngoại lệ, một nếp làm việc đúng là văn minh công sở, có nề nếp sẽ không cho phép chúng ta giữ mãi cách sống và cách làm việc như thế!

(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một nhà báo sống tại Hà Nội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.