Vỉa hè của ai?

13/12/2013 17:20 GMT+7

Tại sao những người bán hàng rong lại bị 'còng tay, đánh đến ngất xỉu' khi họ dùng vỉa hè, lòng đường để mưu sinh? Còn những hàng quán, đại lý, cửa hàng... sao chẳng thấy ai 'siết cổ' họ? Có phải vỉa hè chỉ thuộc về những người có tiền và có quyền?

Tại sao những người bán hàng rong lại bị “còng tay, đánh đến ngất xỉu” khi họ dùng vỉa hè, lòng đường để mưu sinh? Còn những hàng quán, đại lý, cửa hàng... sao chẳng thấy ai “siết cổ” họ? Có phải vỉa hè chỉ thuộc về những người có tiền và có quyền?

>> Ai tháo chạy trong cuộc rượt bắt làm đẹp vỉa hè?
>> Vỉa hè với hàng rong trong một bài toán lớn

trật tự đô thị
Vỉa hè bị lấn chiếm - Ảnh: Ngọc Thắng

Ở nước ta có một điều lạ, rất lạ, hễ cái gì quản lý không được là... cấm!

Cấm bán hàng rong lấn chiếm vỉa hè gây mất mỹ quan đô thị không còn là điều mới nhưng câu chuyện xung quanh nó thì chưa bao giờ cũ.

Dù nhìn nhận dưới góc độ nào, chúng ta cũng phải thừa nhận một điều, rằng, đang có hàng nghìn người dân nghèo, thu nhập thấp, bám trụ cuộc sống “nhờ” lấn chiếm lòng đường. Nó là cứu cánh của họ.

Cũng nên nhìn nhận rằng, buôn bán vỉa hè đang phù hợp với nhu cầu ăn uống, mua sắm của hàng nghìn công nhân lao động, hàng trăm nghìn sinh viên... Nó là thiết yếu của một thành phố, đô thị sầm uất như Hà Nội, Sài Gòn. Vì vậy, chúng ta nên chấp nhận và xem “kinh tế vỉa hè” là một thực thể khách quan trong nền kinh tế. Như một kiểu chợ đêm được mở ở các thành phố du lịch như Hà Nội, TP.HCM, Nha Trang… Ở đấy, ngay dưới vỉa hè, người ta được quyền buôn bán, mua sắm, bách bộ để tận hưởng cảm giác không khí đường phố.

Có hai đối tượng thường xuyên lấn chiếm vỉa hè. Thứ nhất là những hộ gia đình, những hàng quán, đại lý, cửa hàng... mặt tiền, họ kinh doanh cố định và tranh thủ tận dụng không gian vỉa hè để thu lợi. Tôi tạm gọi họ là những người có điều kiện.

Đối tượng thứ hai là những người không có chỗ buôn bán cố định, phải “mượn đỡ” vỉa hè để mưu sinh. Đa số họ là những người nghèo, kinh tế khó khăn, nguồn sống duy nhất của họ và gia đình là những gánh hàng rong. Họ có thể trả một phần lợi nhuận cho những chủ nhà có sẵn vỉa hè thông thoáng; hoặc chấp nhận đóng một khoản chi phí nhỏ như tiền thuê sạp cho chính quyền để tìm chỗ mưu sinh.

Vỉa hè là tài sản chung. Việc lấn chiếm vỉa hè là phạm pháp. Thế nhưng, để xảy ra những hành động phản cảm, tác động vào người dân như vụ việc xảy ra tại phường 25 quận Bình Thạnh (TP.HCM) là không thể chấp nhận được.

Thực tế cho thấy, những chuyện “dọn dẹp vỉa hè” chỉ xảy ra thường xuyên với những người nghèo, buôn bán hoa quả, đồ uống, rau xanh.

Thử nhìn những gian hàng bánh trung thu cứ đến dịp lại nằm ngon lành chiếm trọn cả vỉa hè. Những gian hàng này không phải dựng lên 1 - 2 ngày mà kéo dài suốt tháng. Thế nhưng tại sao họ không bị xử lý là do chính quyền cho phép họ kinh doanh trên vỉa hè.

Còn những quán cà phê, quán nhậu, nhà hàng... vẫn nằm ỳ ở đó bao nhiêu năm, vẫn vô tư lấn chiếm vỉa hè để làm bãi giữ xe.

Tại TP.HCM, một số “con đường ăn nhậu” như Tân Sơn Nhì (quận Tân Phú), đường Nguyễn Thiện Thuật (quận 3)... và nhất là tại các trường học, công viên, khu công nghiệp. Tuy không chính thức cho sử dụng, nhưng lâu nay, người dân đã sử dụng và vô hình trung, chúng ta phải công nhận, ngoài chức năng trật tự đô thị, vỉa hè còn có chức năng kinh tế do cuộc sống khách quan mang lại.

Đã có ai “rượt bắt” và xử phạt họ? Số lượng có chắc cũng không nhiều chỉ vài ba bận khi có đợt cao điểm.

Phải chăng, có sự “thiên vị” và ưu ái giữa những người có điều kiện và những người “không có tóc” trên cùng một mảnh đất vỉa hè.

Đã là luật pháp thì phải nghiêm minh, không vì lý do gì hay ưu ái nào để ưu tiên cho một ai. Phải chăng có một sự ưu ái vì đồng tiền và thế lực? Nếu sự thật là như vậy thì câu nói “Có tiền mua tiên cũng được” đã đúng ngay trên mỗi mét vuông vỉa hè.

Việc quản lý vỉa hè phải làm thế nào đảm bảo về trật tự giao thông, đô thị, văn hóa và nhất là vấn đề dân sinh. Cần có những quy định rõ ràng về việc sử dụng vỉa hè của các doanh nghiệp, các trung tâm thương mại lớn hay những bà, những chị bán hàng rong không ổn định, từ đó có những mức thu phí phù hợp với từng đối tượng, hình thức, mặt hàng kinh doanh, buôn bán, không cào bằng, đánh đồng.

Hãy cho dân nghèo có cơ hội mưu sinh và ít nhất, chúng ta không còn nhìn thấy cảnh trật tự đô thị bắt, đánh người ngất xỉu giữa đường phố.

Diễm Út*

*Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, là sinh viên một trường đại học ở TP.HCM

>> Vỉa hè với hàng rong trong một bài toán lớn
>> Dân mạng phẫn nộ vụ trật tự đô thị bị tố đánh người bán hàng rong ngất xỉu
>> Lực lượng trật tự đô thị phường bị tố đánh người bán hàng rong bất tỉnh
>> Hạn chế hàng rong khu trung tâm TP.HCM
>> Hoãn xử vụ bảo kê hàng rong ở công viên
>> Hàng rong “bẫy” du khách
>> Xếp hàng ‘rồng rắn’ nhập học
>> Xác định được người bán hàng rong đánh du khách
>> Người bán hàng rong đánh du khách ngất xỉu
>> Ăn hàng rong giữa đường phố cổ
>> Một người bán hàng rong Trung Quốc chết, sáu nhân viên bị bắt
>> Gánh hàng rong" công nghệ mới

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.