Tôi yêu tiếng nước tôi

31/01/2013 09:23 GMT+7

Cánh cò bay lả. Ruộng bậc thang miền núi phía Bắc. Sóng nước miền Tây Nam bộ. Cánh võng mẹ ru hời. Phiên chợ quê ngày tết...

Tất cả cảnh vật ấy phối hợp với nền tiếng đàn nhị của bài dân ca Bèo dạt mây trôi và ca khúc Tiếng Việt được phổ từ thơ của Lưu Quang Vũ làm nên một clip bình dị, mộc mạc nhưng đầy ắp yêu thương và da diết ân tình... Đó là clip Tiếng Việt của hai bạn trẻ Lê Xuân Khoa và Nguyễn Tiến Dũng.

Một tháng từ khi ấp ủ đến lúc hoàn thiện clip dài 6 phút 20 giây và đặt cho nó cái tên giản dị: Tiếng Việt, hai bạn trẻ tuổi đôi mươi không nghĩ rằng chỉ trong vòng bảy ngày kể từ khi được đưa lên mạng (ngày 23-1), clip đã làm nên một cơn sốt với tổng cộng hơn 50.000 lượt truy cập và hàng trăm người dẫn lại link trên blog, Facebook của mình. Rất nhiều trang mạng cũng giới thiệu clip đầy trang trọng ở vị trí đầu tiên trong phần video.

Tôi yêu tiếng nước tôi
Những hình vẽ về quê hương VN trong clip Tiếng Việt - Ảnh chụp từ YouTube

Clip kể câu chuyện về tiếng Việt có hai phần tưởng như độc lập nhưng lại rất gắn bó với nhau: một phần là chuyện kể bằng tranh về một thanh niên lưu lạc gia đình, anh quên mất tiếng nói của mình và được người làng dạy lại những từ đầu tiên như “bố”, “mẹ”. Nhưng bất ngờ lớn nhất đã xảy ra là khi được học và nói từ “quê hương”, anh nhớ ra tất cả... Và phần âm thanh là ca khúc Tiếng Việt: “Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói/ Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ/ Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa/ Óng tre ngà và mềm mại như tơ”...

Rất nhiều blogger là Việt kiều đã rưng rưng nước mắt khi xem clip và để lại những dòng đầy xúc cảm. Thu Ha viết trên Facebook của cô: “Tôi xem đi xem lại nhiều lần, lần nào cũng khóc. Quê tôi ở Sóc Trăng, tết này tôi chưa về quê được mà xem clip này chỉ muốn bay ngay về quê thôi”. Bạn Hao Nguyen bình luận trên YouTube: “Cảm động muốn khóc quá. m điệu nhẹ nhàng như lời ru, cảm giác như được trở về quê, về thời ấu thơ. Mong sao những bài như vậy sẽ mãi còn và tiếp tục”. Bạn Thanh Tam dẫn lại ca khúc Tình ca của nhạc sĩ Phạm Duy (Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời...) cùng với clip này và bình luận: “Những ca khúc, clip như thế này sẽ giúp con cháu chúng ta thêm yêu quê hương, yêu tiếng Việt, yêu cội nguồn”.

Lê Xuân Khoa chia sẻ: “Tôi và Nguyễn Tiến Dũng cùng được mời tham gia dự án của một trang mạng nhưng sau đó dự án này ngừng lại. Khi đó, hai chúng tôi thấy mình gắn bó với nhau vì hợp tính nhau nên dự định sẽ cùng làm một cái gì đó để tặng nhau và cũng là để kỷ niệm cho tình bạn mới này. Chúng tôi nghĩ đến ca khúc Tiếng Việt của nhạc sĩ Lê Tâm phổ thơ của nhà thơ Lưu Quang Vũ. Thế là cả hai ngồi lại bàn bạc từng khung hình. Câu chuyện kể tuy độc lập nhưng phải phù hợp với lời hát và hình ảnh minh họa. Chúng tôi muốn nói với những bạn trẻ như mình và người lớn rằng thế hệ chúng tôi không chỉ biết văn hóa nước ngoài mà còn yêu tha thiết tiếng Việt và văn hóa dân tộc mình”.

Khoa vốn là một sinh viên ngành công nghệ thông tin của Đại học Bách khoa Hà Nội, công việc hiện tại của chàng trai trẻ này không liên quan đến văn chương, nghệ thuật, nhưng Khoa vẫn đang ấp ủ tiếp những dự định sẽ làm các dự án nghệ thuật vì cộng đồng: “Vì đó là đam mê và sở thích của tôi và các bạn”.

Thời gian gần đây, nhiều bạn trẻ thực hiện các clip về quê hương mình (Thanh Hóa, Cần Thơ, Hà Nội), về lịch sử VN và nay là về tiếng Việt. Có thể nói các clip do người trẻ thực hiện đã dấy lên một niềm tin. Thế hệ trẻ hôm nay biết tiếp nhận văn hóa nước ngoài nhưng cũng biết yêu và trân trọng văn hóa nguồn cội. Chính họ đã giúp cho thế hệ mình thêm yêu quê hương, đất nước từ những điều bình dị nhất, như lời của nhà văn, nhà thơ Nga Ilya Ehrenburg đã nói: “Lòng yêu nước ban đầu là yêu những vật bình thường nhất: yêu cái cây trồng trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông...”.

Theo Hồng Hạnh / Tuổi Trẻ

>> “Cháy hàng” phiên chợ quê 29 tết
>> Kể chuyện “Tiếng Việt" bằng âm nhạc và tranh vẽ
>> Vũ Tất Thắng: Đưa tiếng Việt ra thế giới
>> Chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.