Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: Quyết tâm làm trong sạch bộ máy Đảng, Nhà nước

07/08/2016 07:22 GMT+7

Sáng qua 6.8, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có buổi tiếp xúc với cử tri quận Ba Đình, Hoàn Kiếm (Hà Nội).

Tại buổi tiếp xúc, cử tri đặt ra một loạt vấn đề liên quan đến công tác cán bộ của Đảng, trong đó có vụ việc liên quan đến nguyên Phó chủ tịch Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh, nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng... Cử tri Phạm Năng Khương (Hoàn Kiếm) đề nghị thực hiện đúng chỉ đạo của Tổng bí thư về việc không có vùng cấm trong việc xử lý cán bộ. Theo ông Khương, vấn đề ở Bộ Công thương nhiệm kỳ trước, ngoài vụ ông Trịnh Xuân Thanh dư luận còn yêu cầu “truy” việc ông Vũ Quang Hải, con trai nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng được điều động làm lãnh đạo tại Sabeco.
Vụ Trịnh Xuân Thanh liên quan nhiều thứ
Chia sẻ mong muốn của các cử tri về việc nhiệm kỳ tới, công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cần được làm mạnh hơn nữa, Tổng bí thư cho biết, công tác này vừa qua đã có được một số kết quả ban đầu. Theo Tổng bí thư, đây là lĩnh vực rất quan trọng nhưng vô cùng khó khăn vất vả. Là cuộc đấu tranh nội bộ trong mỗi cá nhân, nó dai dẳng, khó khăn, liên quan lợi ích, danh dự mỗi con người, mỗi đơn vị, không dễ. Đặc biệt lợi ích thì chằng chịt nhau, chưa kể bên ngoài chĩa vào phá hoại. “Rất khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước quyết tâm làm trong sạch Đảng, trong sạch bộ máy nhà nước”, Tổng bí thư nhấn mạnh.
Tổng bí thư cho biết, hiện tại một số vụ án lớn đang được tiếp tục xử lý, “đại án” Phạm Công Danh chỉ là 1/8 vụ án trọng điểm lớn sẽ được xét xử thời gian tới. Theo Tổng bí thư, gần đây việc xử lý ông Trịnh Xuân Thanh được dư luận quan tâm hoan nghênh. “Trịnh Xuân Thanh là một thí dụ thôi mà đã liên quan nhiều thứ lắm. Đang quyết tâm làm, chúng tôi đã nói nhiều lần là làm có bước đi chắc chắn, chặt chẽ, thận trọng, hiệu quả, và phải giữ được ổn định để phát triển đất nước. Bởi vì sau vụ này còn liên quan người khác”, Tổng bí thư nói.
Chia sẻ việc nhiều cử tri, người dân vẫn “chưa yên tâm” mặc dù đã có rất nhiều vụ việc đang được làm rõ ràng, Tổng bí thư khẳng định quyết tâm và sự vào cuộc của cả hệ thống. Ông cho biết sau khi có chỉ đạo, dường như cả guồng máy, cả hệ thống vào cuộc. “Một mình Tổng bí thư không làm được mà toàn dân, toàn hệ thống vào cuộc. Các đồng chí xem bên Chính phủ đã vào cuộc chưa, Quốc hội đã vào cuộc chưa, các bộ ngành vào cuộc chưa. Xin báo cáo, tất cả đều đang vận hành. Có việc nói được, có việc chưa nói được nhưng với khí thế mới sau kỳ họp Quốc hội này, chúng ta tin rằng sẽ làm tốt hơn nữa”, Tổng bí thư khẳng định.
Xử lý vụ Formosa mới chỉ là bước đầu
Cử tri Nguyễn Văn Tửu (Hoàn Kiếm) bức xúc trước việc biển miền Trung mênh mông trù phú nhưng sau khi Formosa xả thải, cá "lăn đùng ra chết", chất thải độc hại được chuyển đi chôn khắp các nơi... Cử tri Tửu yêu cầu làm rõ tổ chức hay cá nhân nào đã ký kết cho Formosa làm ăn tại VN tới 70 năm? “Trước khi ký họ đã hiểu bao nhiêu về Formosa? Tập đoàn này đến đây chỉ vì mục đích kinh tế đơn thuần hay có âm mưu nào khác với nước ta? Họ đầu tư hàng chục tỉ USD nhưng hiểm họa khôn lường”, cử tri Tửu nói.
Tổng bí thư cho biết, đây là vụ việc mà các cơ quan chức năng của VN đã phải tốn rất nhiều công sức trong việc chứng minh hành vi vi phạm của Formosa. “Có ý kiến nói rằng chậm quá, phải nhanh, quyết liệt hơn. Nhưng đây là đấu tranh, phải có lý, có tình, có chứng cớ, có thực tế buộc người sai phạm phải nhận lỗi”, Tổng bí thư nói. “Đây là bài học sâu sắc, đắt giá. Tỉnh nghèo mong có dự án vào, có dự án thì phấn khởi không lo mặt trái, chưa nói đến âm mưu phá hoại. Trước đây có dự án sông Đồng Nai, dự án bauxite Tây nguyên..., nhiều cái phải hết sức quan tâm môi trường”, Tổng bí thư nói.
Theo Tổng bí thư, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 14 vừa qua đã có nhiều ý kiến liên quan đến vấn đề môi trường, từ đó rút ra bài học lớn, xây dựng phải nghĩ đến môi trường. Liên quan đến vụ Formosa, Tổng bí thư cho biết, T.Ư, Bộ Chính trị đã chỉ đạo, họp nhiều lần. “Đây mới là xử lý trước mắt, còn đi sâu vào bên trong, trách nhiệm cá nhân tập thể, phải làm đúng quy trình, quy tắc, bây giờ kết luận ngay thì chưa được nhưng phải làm”, Tổng bí thư phát biểu.
Chủ tịch Hà Nội lý giải chuyện chậm xử lý 8B Lê Trực
Hà Nội kiên quyết xử lý sai phạm ở công trình 8B Lê Trực theo chỉ đạo của Thủ tướng nhưng tiến độ chậm là do công nghệ phá dỡ hạn chế và phải giãn tiến độ vào dịp bầu cử Quốc hội. Đây là thông tin được Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết tại cuộc tiếp xúc cử tri ngày 6.8.
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết, TP đã ra văn bản và phong tỏa tài khoản Công ty CP may Lê Trực (chủ đầu tư dự án 8B Lê Trực). Trước mắt, UBND TP.Hà Nội giao UBND Q.Ba Đình tạm thời ứng tiền, còn toàn bộ chi phí phá dỡ và tiền lãi phát sinh, chủ đầu tư 8B Lê Trực phải chịu trách nhiệm. TP đang rà soát tất cả các dự án của công ty này làm ở Hà Nội và nếu chủ đầu tư không khắc phục vụ 8B Lê Trực, Hà Nội sẽ không cho doanh nghiệp này tiếp tục các dự án trên địa bàn.
Trả lời câu hỏi của cử tri liên quan đến đường ống nước sông Đà, ông Chung cho biết, để phục vụ việc phát triển, Hà Nội đã phối hợp với Bộ Xây dựng kêu gọi đầu tư tuyến đường ống nước sông Đà. “Trong thời gian tới sẽ khởi công tuyến đường ống mới hoàn toàn, các tuyến đường ống sẽ được lựa chọn công nghệ tiên tiến từ các nước G-7. Hà Nội cũng sẽ tiến hành lắp song song 2 - 3 ống để đảm bảo an toàn khi cung cấp nước sạch trong tương lai”, ông Chung nói.
“Bây giờ anh em nghỉ cũng đã thấy thoải mái”
Giải thích về việc tại sao phải kiện toàn nhân sự ngay sau Đại hội 12 với việc chỉ trong vòng vài tháng các lãnh đạo cấp cao phải thực hiện hai lần tuyên thệ, Tổng bí thư cho biết, lúc đầu cũng có ý kiến chưa thống nhất, có ý kiến cho rằng như vậy là vội vàng, có phần tử xấu lợi dụng xuyên tạc nói chúng ta làm hình thức. Theo Tổng bí thư, lý do xuất phát từ việc cán bộ là nhân tố quyết định. Một loạt các đồng chí T.Ư mới không phân công lại ngay, giữ lại bộ máy cũ là không đúng nguyên tắc Đảng cầm quyền. “Cũng nhiều lo lắng là ông mới thì ngồi chờ đấy, ông cũ thì đủng đỉnh, chưa nói tranh thủ đề bạt, phê duyệt dự án theo kiểu tư duy nhiệm kỳ. Có đồng chí lãnh đạo cấp cao cũng nói, đã không còn là Ủy viên Bộ Chính trị mà vẫn làm Chủ tịch nước, Thủ tướng thì khó làm lắm. Không họp Bộ Chính trị thì không biết chủ trương của Bộ Chính trị, của T.Ư thế nào, mà lãnh đạo kéo dài đến mấy tháng. Bây giờ anh em nghỉ cũng đã thấy thoải mái, chứ lúc đầu cũng băn khoăn”, Tổng bí thư chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.