Tổng bí thư Nông Đức Mạnh: Phải biết lắng nghe, cả những phê phán gay gắt!

26/04/2006 01:25 GMT+7

Ngày 25/4, sau khi tái đắc cử chức vụ vào nhiệm kỳ thứ hai, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã dành cho báo chí trong nước và quốc tế một cuộc họp báo về nhiều chủ đề, từ đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đến cuộc chiến chống tham nhũng.

*  Xin Tổng bí thư cho biết công việc mà chúng ta chưa thực hiện được trong giai đoạn vừa qua mà ông còn trăn trở?

- Thành tựu trong 5 năm qua và 20 năm đổi mới là to lớn và có ý nghĩa lịch sử, dù cũng còn có nhiều khuyết điểm, yếu kém. Tôi trăn trở là làm sao để đất nước phát triển nhanh và bền vững hơn, mặt tốt phải phát triển, mặt hạn chế cần giảm đi, ví dụ như việc chống tham nhũng, tiêu cực. Vì vậy nghị quyết và quá trình kiểm điểm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều nhìn thẳng vào vấn đề này. Chúng ta phải bền bỉ, kiên trì xây dựng một hệ thống cơ chế, pháp luật đủ mạnh, nghiêm minh.

* Thưa Tổng bí thư, trên diễn đàn Đại hội, nhiều đại biểu đã nói về nhu cầu bức thiết phải đổi mới phương thức và nội dung lãnh đạo của Đảng. Vậy vấn đề này được bàn như thế nào?

- Đảng lãnh đạo về đường lối, chủ trương còn việc thực hiện phải thông qua cả một hệ thống chính trị và Nhà nước. Đảng lãnh đạo nhưng không làm thay công việc của các tổ chức khác. Đây là nội dung lớn, vừa làm vừa tổng kết, nhằm phát huy vai trò của các cơ quan, quyền làm chủ của nhân dân, của cơ sở.

* Tổng bí thư được Ban Chấp hành T.Ư khóa IX đề cử hay Đại hội X đề cử?

-  Đại hội X có cơ chế mới về chọn Tổng bí thư. Đại hội chọn 1 trong số 160 ủy viên chính thức để giới thiệu Tổng bí thư. Ban kiểm phiếu kiểm phiếu giới thiệu của Đại hội, làm căn cứ để xem xét. Tôi cám ơn Đại hội đã tín nhiệm với số đông, và BCH đã tín nhiệm bầu tôi làm Tổng bí thư.

* Việc cạnh tranh trong làm ăn kinh tế đã thấy rõ, vậy khi nào Việt Nam có cạnh tranh trong chính trị?

- Trong quá trình đổi mới của Việt Nam, không khí dân chủ, cởi mở trong làm ăn đã được chính các nhà báo nước ngoài chứng kiến. Cạnh tranh trong làm ăn là chuyện bình thường. Trong chính trị, những đóng góp, thậm chí những ý kiến phê phán của nhân dân ngày càng được các cơ quan chức năng tiếp nhận để nghiên cứu xem xét. Tôi nghĩ ở đây không có sự tranh chấp quyền lực, có thể có ý kiến này kia khác nhau nhưng nhằm giữ vững đồng thuận để phát triển đất nước. Chúng tôi không chỉ muốn nghe những điều tốt, mà tất cả các cấp phải biết lắng nghe những ý kiến đóng góp thẳng thắn, thậm chí là gay gắt, từ đó tự rút kinh nghiệm cho mình, tạo sự đồng thuận xã hội. Đó là vấn đề quan trọng nhất.

* Căn nguyên của tham nhũng theo Tổng bí thư là do đâu? Biện pháp để giải quyết gốc rễ vấn đề?

- Căn nguyên của tham nhũng có nhiều nguyên nhân, khó mà trả lời cái gì là cụ thể. Nhưng có thể nói đó là sự tha hóa, biến chất của đảng viên công chức, đó là chủ nghĩa cá nhân lớn, cái gì cũng muốn giành cho mình, tìm mọi cách để vơ vét nhằm tư lợi, bất chấp tất cả; do giáo dục, rèn luyện... của đảng viên chưa tốt, phẩm chất sa sút. Cần một hệ thống các biện pháp để giải quyết vấn đề này. Phải có cơ chế, quy định giám sát, quản lý tốt cán bộ, đánh giá đúng cán bộ đảng viên. Sắp tới phải làm quyết liệt ở mọi chỗ, mọi nơi.

* Trong nhiệm kỳ vừa rồi, đã có 4 vạn đảng viên bị kỷ luật. Con số kỷ lục này là do làm tốt công tác kiểm tra hay tình trạng vi phạm pháp luật trong đảng viên tăng lên?

- Việc phát hiện, xử lý, kể cả kỷ luật hành chính các đảng viên sai phạm sẽ góp phần ngăn chặn những hành vi tiêu cực. Trước đây có nguyên nhân là chỗ này, chỗ khác chưa phát hiện. Nhưng nay phát hiện thì phải xử lý theo đúng pháp luật. Tôi cho rằng đó là mặt tích cực.

* Một trong những nội dung mới lần này là chúng ta giao quyền giám sát cho Ủy ban Kiểm tra các cấp, liệu bộ máy của cấp ủy có thể giám sát được cấp ủy hay không?

- Công tác kiểm tra trước hết phải nói là công tác của cấp ủy, cấp ủy cử ra cơ quan kiểm tra giúp cấp ủy làm công tác giám sát kiểm tra. Việc Ban Chấp hành bầu ra một ủy ban kiểm tra không có nghĩa là ủy ban kiểm tra đó không thể giám sát được cấp ủy. Vì như quy định trong điều lệ, kể cả trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí nào vi phạm, ủy ban kiểm tra đều có quyền xem xét báo cáo với tập thể cấp ủy. Ngoài chức năng như đã được quy  định trước đây, thì Đại hội đã giao thêm cho chức năng giám sát rộng hơn, giám sát tốt thì phòng ngừa sẽ tốt hơn. Cái đích của chúng ta là phòng để chống.

* Thưa Tổng bí thư, kinh tế tư nhân đóng vai trò như thế nào trong nền kinh tế Việt Nam?

- Theo Báo cáo chính trị và nội dung mà Đại hội hôm nay (25/4 - PV) đã thông qua, chúng tôi chủ trương thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó kinh tế Nhà nước là chủ đạo, mọi thành phần kinh tế khác, kể cả kinh tế tư nhân và vốn nước ngoài đều được phát huy, nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp cho đất nước.

Đảng hết sức coi trọng và đánh giá cao vai trò của báo chí

“Đảng hết sức coi trọng và đánh giá cao vai trò của báo chí. Trong những năm qua, báo chí Việt Nam đã góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới đất nước, phát huy dân chủ và làm lành mạnh bầu không khí xã hội, vừa ra sức tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, vừa là diễn đàn thể hiện tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Trong suốt quá trình chuẩn bị Đại hội từ Đại hội các cấp đến Đại hội toàn quốc lần thứ X vừa qua, báo chí đã đăng tải nhiều ý kiến đóng góp của nhân dân đối với Đảng, với các văn kiện của Đại hội, tăng cường tuyên truyền các nhân tố mới, điển hình tiên tiến trên tất cả các lĩnh vực đồng thời phê phán các hiện tượng tiêu cực, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước. Với những việc làm đó, báo chí đã góp phần vào thành công của Đại hội”.

Tổng bí thư Nông Đức Mạnh

Xuân Danh
(ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.