Đó là kế hoạch được Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đưa ra trong buổi họp trực tuyến với các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành trong cả nước về “Quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ, dạy nghề và Đề án xây dựng di dời các trường ĐH, CĐ vùng Hà Nội và TP.HCM” vào hôm nay 7.6.
|
Theo đó, tiêu chí của Bộ GD-ĐT, các trường ĐH, CĐ đang nằm trong nội thành thuộc diện di dời ra ngoại thành gồm: trường không đủ chỉ tiêu đất trên 25m2/SV hoặc diện tích đất khuôn viên hiện có dưới 2 hecta; trong trường không đảm bảo hạ tầng cho các công trình về thể chất theo quy chuẩn và hạ tầng bên ngoài trường không đảm bảo, hoặc gây ảnh hưởng đến sự quá tải của hạ tầng đô thị; trường ĐH, CĐ đào tạo nhiều cấp học và học sinh, SV của cấp học thấp chiếm tỉ lệ cao hơn số học sinh, SV của cấp học được giao nhiệm vụ trong quyết định thành lập trường.
Riêng TP.HCM, các trường ĐH, CĐ đã được phê duyệt quy hoạch xây dựng ở ngoại thành và trường có 2 cơ sở đào tạo trở lên cũng không được ở trong nội thành.
Việc di dời ra ngoại thành được áp dụng cho cả trường công lập; tư thục; trường thuộc các tổ chức kinh tế (tập đoàn nhà nước, tổng công ty) cũng như thuộc các tổ chức xã hội, nghề nghiệp; trường liên kết với nước ngoài và trường có vốn đầu tư nước ngoài.
|
Tuy nhiên, nhóm trường đào tạo năng khiếu, nghệ thuật có quy mô tuyển sinh ít; trường ĐH, CĐ là các công trình văn hóa, khoa học, lịch sử và truyền thống cách mạng cần được lưu giữ, bảo tồn sẽ được “đặc cách” ở lại.
Ông Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, lộ trình di dời các trường ĐH, CĐ sẽ được thực hiện theo 3 giai đoạn từ nay cho đến năm 2030. Trong đó, giai đoạn 1 (2011 - 2015), mỗi TP sẽ di dời 5 trường thí điểm; giai đoạn 2 (2015 - 2020), mỗi TP di dời 10 - 15 trường; giai đoạn 3 (2020 - 2030), các trường còn lại sẽ được di dời hết ra ngoại thành.
Tuy nhiên, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, việc di dời các trường ĐH, CĐ ra ngoại thành nên đẩy nhanh tiến độ để có thể hoàn tất vào khoảng năm 2025. Theo đó, việc di dời các trường ĐH, CĐ ra ngoại thành sẽ được thực hiện lồng ghép trong quy hoạch hình thành các đô thị ĐH, dân cư của các tỉnh, thành. Phó thủ tướng cũng nêu chủ trương của Chính phủ là trong tương lai sẽ mở rất ít trường công lập mà khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng trường tư thục. Nhà nước chỉ đầu tư phát triển các trường trọng điểm, chất lượng cao, ĐH Quốc gia.
Theo báo cáo của ông Ga, cả nước hiện có hơn 400 trường ĐH, CĐ với hơn 2 triệu SV. Dự kiến quy hoạch đến năm 2020, cả nước có khoảng 580 trường ĐH, CĐ, với gần 4 triệu SV. Về cơ cấu, nhóm ngành kinh tế, luật chiếm tỷ lệ cao nhất (hơn 36% vượt chỉ tiêu), kế đến là nhóm ngành kỹ thuật công nghệ (hơn 30%), sư phạm (hơn 10%). Vì vậy, sắp tới cần thay đổi cơ cấu đào tạo ngành kinh tế, tiếp tục duy trì nhóm ngành kỹ thuật công nghệ, đồng thời tăng mạnh các ngành sư phạm, y tế, nông nghiệp…
Viên An
Bình luận (0)