Báo động tai nạn trên đường cao tốc : Vừa thông xe đã 'thấp tốc'

06/04/2022 07:05 GMT+7

Tốc độ triển khai dự án ì ạch, thiết kế lạc hậu, quản lý yếu kém... là những nguyên nhân gây mất an toàn trên nhiều tuyến cao tốc hiện nay.

Cao tốc quá tải, khó tránh tai nạn

Thống kê từ Cục CSGT (Bộ Công an) về nguyên nhân tai nạn giao thông (TNGT) trên các tuyến đường cao tốc chỉ ra rằng chủ yếu do lỗi chủ quan từ người điều khiển phương tiện, chưa có nguyên nhân do hạ tầng. Dù thừa nhận một số tuyến cao tốc sau thời gian dài sử dụng, chất lượng đường có dấu hiệu xuống cấp, thậm chí xuất hiện ổ gà hay lún nứt, song đa số chuyên gia cũng đồng tình tác nhân chính gây TNGT trên cao tốc là do lỗi phương tiện hoặc người lái.

Thế nhưng, đánh giá lại mạng lưới đường cao tốc, đặc biệt ở khu vực phía nam hiện nay, có thể thấy những thiếu sót nghiêm trọng về thiết kế đang biến những con đường cao tốc nhanh chóng trở thành thấp tốc, thường xuyên trong tình trạng ùn ứ. Đây chính là tác nhân không nhỏ dẫn tới những hành vi vi phạm của người tham gia giao thông.

Đơn cử, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (HLD) là tuyến cao tốc huyết mạch, kết nối giao thông, kinh tế giữa TP.HCM với vùng Ðông Nam bộ, Tây nguyên nhưng chỉ có 4 làn xe. Trong khi đó, chuẩn thiết kế cao tốc là mỗi bên 3 làn và 1 làn dừng khẩn cấp, tổng cộng 2 bên là 8 làn xe. Theo đánh giá của UBND tỉnh Đồng Nai, cao tốc HLD là trục giao thông chính kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, dù xây dựng theo quy hoạch là 8 làn xe cũng sẽ không đáp ứng được nhu cầu.

Mạng lưới đường cao tốc ở khu vực phía nam hiện chỉ có 4 làn xe nên thường xuyên trong tình trạng ùn ứ, như cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây

Độc Lập

Tương tự, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vừa tổ chức cho xe chạy tạm trên đường dịp cao điểm Tết Nguyên đán Nhâm Dần sau 13 năm ì ạch triển khai, là trục giao thông huyết mạch kết nối TP.HCM với khu vực ĐBSCL nhưng chỉ có 4 làn xe, mặt đường quá hẹp, không có làn khẩn cấp. Tốc độ lưu thông tối đa cũng chỉ đạt 80 km/giờ. Nguyên nhân khiến cao tốc thiếu làn là do... thiếu tiền. Đại diện Bộ GTVT cho biết cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được xây dựng theo đúng thiết kế của Bộ tại Quyết định 5019 ngày 31.12.2014 về hướng dẫn thiết kế và tổ chức giao thông trong giai đoạn phân kỳ đầu tư xây dựng đường ô tô cao tốc. Thiết kế phân kỳ có phương án bố trí cách quãng các đoạn dừng xe khẩn cấp ở cả 2 bên theo chiều xe chạy sao cho sau 6 - 10 phút chạy xe, xe dừng khẩn cấp vẫn có chỗ dừng. Lý do, trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư khó khăn, nếu các tuyến cao tốc rộng 17 m, 4 làn xe mà có làn dừng xe khẩn cấp liên tục sẽ tăng tổng mức đầu tư. Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận xây dựng làn dừng khẩn cấp liên tục trên toàn tuyến ngay ở giai đoạn phân kỳ, tổng mức đầu tư sẽ tăng lên khoảng 17.000 - 18.000 tỉ đồng, tức thêm 5.000 - 6.000 tỉ đồng so với tổng mức đầu tư hiện nay.

Ông Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM, đánh giá đây chính là sai lầm dẫn đến việc các tuyến cao tốc phía nam nhanh chóng trở thành “thấp tốc”. Tiền ít nên làn xe quy mô nhỏ, nhưng về sau muốn mở rộng rất khó vì chi phí giải phóng mặt bằng quá lớn. Cứ như thế, các dự án mở rộng, hoàn chỉnh mạng lưới cao tốc nối đuôi nhau chậm tiến độ, trong khi hạ tầng hiện hữu nhanh chóng xuống cấp, hệ quả là ùn tắc, tai nạn liên miên.

Theo ông Hà Ngọc Trường, hiện tất cả hệ thống tín hiệu cảnh báo, đảm bảo an toàn ở 2 bên cao tốc TP.HCM - Trung Lương đã bị hư hỏng, cần cấp bách tăng cường các hệ thống tín hiệu đó. Song song, nên thêm vào các đoạn đường tránh nạn để các phương tiện gặp sự cố có chỗ tạm dừng chờ cứu hộ. Đồng thời, tăng cường các biện pháp kiểm soát các loại xe, không để xe có khuyết điểm, hư hỏng chạy vào đường cao tốc, đặc biệt là các loại xe tải. Phải kiểm soát chặt chẽ, và phạt thật nặng những hành vi vi phạm như đi bộ, xe máy chèn vào đường cao tốc.

Rà soát chất lượng quản lý

Phân tích cụ thể về những nguyên nhân gây tai nạn trên đường cao tốc, chuyên gia cầu đường Vũ Thắng cho biết độ an toàn của cao tốc phụ thuộc 3 yếu tố. Thứ nhất là chất lượng của công trình. Mặt đường phải phẳng, nhẵn, kiên cố, tất cả hệ thống báo hiệu, tín hiệu, chiếu sáng và các công trình phụ trợ phải đầy đủ. Hiện nay, nhiều tuyến đường đảm bảo chưa tốt yếu tố này, để đường lún, để các hư hỏng không kịp sửa chữa kịp thời, không khôi phục lại theo đúng các tiêu chuẩn kỹ thuật. Các công trình phụ trợ không được giữ gìn trong tình trạng hoàn hảo. Trong yếu tố hạ tầng cũng ghi nhận lỗi bảo dưỡng công trình. Các quy định hiện hành đã đặt ra đầy đủ hệ thống và phân công tới từng đơn vị để chịu trách nhiệm nhưng nhiều đơn vị quản lý vẫn chưa làm tốt những quy định tiêu chuẩn.

Thứ hai là yếu tố con người. Người điều khiển phương tiện trên cao tốc phải tuân theo tất cả chỉ dẫn khi đi vào đường cao tốc, đơn cử như đảm bảo đúng luật, chạy đúng làn, đúng tốc độ quy định nhưng thực tế vẫn chạy ẩu, vi phạm. Thứ ba là phương tiện trước khi lưu thông lên đường cao tốc phải được kiểm tra, kiểm định đầy đủ tất cả điều kiện đảm bảo an toàn. Mặt khác, hệ thống đăng kiểm hiện chưa thật sự tốt, để lọt cả những xe chưa đủ yêu cầu kỹ thuật chạy lên đường cao tốc.

Về lâu dài, mau chóng hoàn thiện mạng lưới đường cao tốc theo đúng quy hoạch với tầm nhìn dài hạn về quy mô là giải pháp bền vững để giảm thiểu TNGT.

Ông Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM

Theo ông Vũ Thắng, quy hoạch thiếu tầm nhìn, triển khai công trình chậm trễ là thực trạng, song để xảy ra TNGT thì lỗi chính nằm ở quản lý. Quy định về các loại đường cao tốc hiện vẫn chưa được áp dụng theo từng loại cụ thể. Đơn cử, di chuyển trên đường cao tốc không có làn dừng khẩn cấp sẽ cần thêm những điều kiện, lưu ý đặc biệt hơn so với trên các tuyến đường có đầy đủ các làn thiết kế, trang bị... Những tuyến cao tốc có lưu lượng xe tăng nhanh thì phải có giải pháp để hạn chế tác động xấu, phải “chăm” kỹ hơn, tăng thời gian đi tuần tra, tăng tần suất đi kiểm soát, sửa chữa nhanh hơn những chỗ hư hỏng...

“Khó có thể đổ lỗi cho quy hoạch bởi về cơ bản, các tuyến đường cao tốc đều được thiết kế, xây dựng theo các quy chuẩn. Vấn đề là anh quản lý có đúng với quy chuẩn của tuyến đường hay không. Đường quá tải thì xe chạy trên đó phải khác với chạy trên đường lưu lượng phương tiện thấp. Đường chật, xe đông nhưng cứ quản lý không theo kịp thì ắt sẽ phát sinh hệ lụy, hệ số tai nạn sẽ tăng lên”, ông Thắng nhấn mạnh và kiến nghị cần một cuộc tổng rà soát để có cái nhìn tổng quan về chất lượng quản lý của hệ thống cao tốc hiện nay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.