Tổng thống Obama lần đầu tiên thăm nhà thờ Hồi giáo ở Mỹ

03/02/2016 23:12 GMT+7

Bảy năm kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ có chuyến thăm đầu tiên đến một nhà thờ Hồi giáo ở Mỹ trong ngày 3.2.

Bảy năm kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ có chuyến thăm đầu tiên đến một nhà thờ Hồi giáo ở Mỹ trong ngày 3.2.

Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng ngày 29.1.2016. Ông Obama lần đầu tiên sẽ đến thăm một nhà thờ Hồi giáo trên đất Mỹ  ngày 3.2 - Ảnh: ReutersTổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng ngày 29.1.2016. Ông Obama lần đầu tiên sẽ đến thăm một nhà thờ Hồi giáo trên đất Mỹ ngày 3.2 - Ảnh: Reuters
Tổng thống Obama, có ông nội theo Hồi giáo, sẽ có chuyến thăm ngắn đến nhà thờ Hiệp hội Hồi giáo Baltimore, nơi ông sẽ gặp các thủ lĩnh Hồi giáo và sẽ có một bài phát biểu, theo AFP.
Ông Obama từng đến viếng các nhà thờ Hồi giáo ở Malaysia, Indonesia và Ai Cập với tư cách Tổng thống Mỹ, nhưng chưa từng thăm bất kỳ nhà thờ Hồi giáo nào ở Mỹ. Nước Mỹ có trên 2.000 nhà thờ Hồi giáo.
Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho biết trong bài phát biểu khi đến thăm nhà thờ Hồi giáo này, ông Obama sẽ “tái khẳng định vai trò quan trọng của người Mỹ theo Hồi giáo trong xã hội của chúng ta” và những người Hồi giáo ở Mỹ không nên bị phân biệt đối xử.
Ông Obama dự kiến sẽ nêu lên quan điểm cho rằng tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) chỉ mượn danh Hồi giáo và không đại diện cho những người Hồi giáo. Nhưng ông Obama sẽ kêu gọi các thủ lĩnh Hồi giáo hỗ trợ chống lại việc những người Hồi giáo bị lôi kéo vào các tổ chức cực đoan.
“Chúng tôi biết có nhiều tổ chức cực đoan như IS đang cố dùng mạng xã hội để dụ dỗ, chiêu mộ người Mỹ. Chắc chắn các lãnh đạo Hồi giáo ở Mỹ sẽ giúp ngăn chặn điều này xảy ra”, ông Earnest nói.
Vào năm 2009, ông Obama, lúc đó mới vừa đắc cử Tổng thống sau cuộc bầu cử năm 2008, từng đến thủ đô Cairo, Ai Cập kêu gọi “một sự khởi đầu mới” với thế giới Hồi giáo.
Nhiều chính sách ngoại giao của chính quyền Tổng thống Obama tập trung vào cải thiện quan hệ với các quốc gia Hồi giáo, từ đạt thỏa thuận hạt nhân với Iran cho đến kết thúc cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan. Nhưng nỗ lực của ông Obama bị cản trở do Mỹ vẫn tiếp tục những chiến dịch quân sự chống các tổ chức khủng bố và Hồi giáo cực đoan ở Afghanistan, Iraq, Libya, Pakistan, Somalia, Syria và Yemen.
Mỹ có khoảng 3,3 triệu người Hồi giáo, và những vụ tấn công khủng bố gần đây do các phần tử Hồi giáo cực đoan tiến hành ở Mỹ trở thành tâm điểm trong những cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên Tổng thống trong mùa bầu cử 2016.
Khoảng 81 người Mỹ theo Hồi giáo có dính líu đến những âm mưu tấn công khủng bố trong năm 2015, theo báo cáo của Trung tâm Triangle chuyên về khủng bố và an ninh nội địa Mỹ, thuộc Đại học Duke và North Carolina (Mỹ).
Trước đây, sáu ngày sau vụ tấn công khủng bố 11.9.2001 ở New York và Washington, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là ông George W. Bush đã đến thăm Trung tâm Hồi giáo Washington, tuyên bố “Hồi giáo là hòa bình”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.