Tổng thống Putin để ngỏ khả năng tái tranh cử

Ngọc Mai
Ngọc Mai
11/03/2020 09:00 GMT+7

Nếu việc sửa đổi hiến pháp được thông qua và Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp tục tranh cử, nhà lãnh đạo này có thể cầm quyền tới năm 2036.

Reuters ngày 10.3 đưa tin Tổng thống Vladimir Putin đang để ngỏ khả năng tiếp tục theo đuổi vị trí lãnh đạo nước Nga sau khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2024. Theo đó, ông Putin không phản đối đề xuất thay đổi hiến pháp với nội dung tính lại số nhiệm kỳ giữ chức tổng thống của mọi cá nhân về “không”.
Phát biểu trước Duma Quốc gia (tức Hạ viện Nga), ông Putin nói: “Đề xuất này sẽ xóa bỏ giới hạn cho bất cứ cá nhân nào, bao gồm cả đương kim tổng thống. Về nguyên tắc, đây là một lựa chọn khả thi, tuy nhiên với một điều kiện là tòa án hiến pháp ra phán quyết sửa đổi này không đi ngược lại các nguyên tắc và điều khoản chính của hiến pháp”.
AFP dẫn lời nhà lãnh đạo cho rằng nước Nga cần một sự thay đổi mang tính cách mạng “vì chúng ta đã có quá đủ các cuộc cách mạng”, đồng thời gợi ý nước Nga có thể chưa sẵn sàng để có một lãnh đạo mới. “Có những thời điểm quyền lực tối cao không được trao cho một người cụ thể. Nhưng điều này đã xảy ra trong lịch sử nước Nga và chúng ta không được phép phớt lờ nó”, ông Putin nói.
Phát biểu được nhà lãnh đạo đưa ra sau khi nghị sĩ Valentina Tereshkova thuộc đảng Nước Nga Thống nhất cầm quyền nêu đề xuất. Tại cuộc họp Hạ viện hôm qua, nữ nghị sĩ nói: “Tôi đề nghị chúng ta hoặc dỡ bỏ giới hạn nhiệm kỳ tổng thống hoặc đưa vào hiến pháp sửa đổi một điều khoản rằng tổng thống đương nhiệm, như bất kỳ công dân Nga nào khác, có quyền tranh cử sau khi hiến pháp sửa đổi có hiệu lực”.
Đề xuất này sẽ được Hạ viện xem xét và có thể được đưa ra trưng cầu dân ý vào tháng 4 tới, theo AFP. Nếu được thông qua, ông Putin có thể tiếp tục ra tranh cử tổng thống thêm 2 nhiệm kỳ 6 năm, tức có thể lãnh đạo nước Nga tới năm 2036.
Theo hiến pháp hiện hành của Nga, một người không được giữ vị trí tổng thống quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp. Đối với ông Putin, 2024 sẽ là năm kết thúc nhiệm kỳ thứ 2 liên tiếp và là nhiệm kỳ tổng thống thứ 4 của ông kể từ khi tiếp quản quyền lãnh đạo từ ông Boris Yeltsin vào ngày 31.12.1999.

[VIDEO] Tổng thống Putin sẽ duy trì quyền lực thế nào sau năm 2024?

Sau 2 nhiệm kỳ đầu tiên, năm 2008 ông Putin chuyển sang giữ chức thủ tướng, còn đồng minh của ông là ông Dmitry Medvedev làm tổng thống một nhiệm kỳ 4 năm. Cũng trong năm đó, Nga sửa đổi hiến pháp có nội dung từ năm 2012 kéo dài nhiệm kỳ tổng thống từ 4 năm lên 6 năm. Ông Putin sau đó lần lượt đắc cử nhiệm kỳ tổng thống thứ 3 và thứ 4 vào các năm 2012 và 2018.
Những diễn biến mới nói trên đưa ra nhiều chỉ dấu về chính trị nội bộ Nga. Các nhà quan sát trước đó nhận định ông Putin đang cân nhắc nhiều lựa chọn khác nhau để duy trì vai trò lãnh đạo của mình sau khi hết nhiệm kỳ vào năm 2024.
Ngoài lựa chọn tái tranh cử phù hợp với đề xuất mới nhất của bà Tereshkova, ông Putin có thể tính đến việc chuyển quyền lực sang quốc hội và sau đó đảm nhận vai trò thủ tướng hoặc trở thành người đứng đầu Hội đồng Nhà nước Liên bang Nga.
Cơ quan này được thành lập theo sắc lệnh do ông Putin ký vào năm 2000 và được trao thêm quyền lực theo đề xuất cải cách hiến pháp của ông Putin hồi tháng 1 vừa qua. Lúc đó, ngay khi có đề xuất của ông Putin, ông Medvedev đã từ chức thủ tướng và chính phủ giải tán. Chính ông Medvedev phát biểu: “Chúng ta nên trao cho tổng thống khả năng thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để thực hiện các thay đổi. Tất cả các quyết định tiếp theo sẽ do tổng thống đưa ra”.
Trong cuộc họp hôm qua 10.3, Hạ viện Nga đã bỏ phiếu về các đề xuất sửa đổi hiến pháp với nhiều nội dung được đưa ra hồi tháng 1, với kết quả 382 phiếu thuận, 44 phiếu trắng, không có phiếu chống. Chủ tịch Hạ viện Vyacheslav Volodin cho biết phiên bỏ phiếu vòng ba và là vòng cuối cùng sẽ diễn ra vào ngày 11.3, theo AFP. Tiếp đó, dự thảo sẽ được chuyển tới Hội đồng Liên bang (tức Thượng viện Nga) và đưa ra trưng cầu dân ý, dự kiến vào ngày 22.4.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.