Tổng thư ký Quốc hội: 'Cương quyết xử lý hành vi thông đồng, cài cắm chính sách'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
29/07/2021 16:43 GMT+7

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định, một Quốc hội liêm chính là Quốc hội không để thao túng chính sách, tham nhũng chính sách xảy ra trong nghị trường; cố tính cài cắm chính sách để trục lợi.

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trao đổi với Thanh Niên sau khi Quốc hội kết thúc kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV.
* Nghị quyết kỳ họp thứ nhất của Quốc hội XV đã quyết nghị cho phép Chính phủ áp dụng các quy định đặc biệt, chưa có trong luật, khác luật để phòng, chống dịch Covid-19. Xin ông cho biết, cùng với việc này, Quốc hội có cơ chế nào để giám sát, tránh chuyện lạm quyền, ảnh hưởng quyền công dân; hoặc lợi dụng gây thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm, như việc mua sắm, cấp phép thuốc, thiết bị vật tư chống dịch?
- Ông Bùi Văn Cường: Nghị quyết kỳ họp được Quốc hội thông qua đã nêu rõ, để ứng phó kịp thời, có hiệu quả với diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19, Quốc hội tán thành việc giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện một số giải pháp cấp bách.
Để tránh việc lạm quyền, ảnh hưởng đến quyền công dân hoặc lợi dụng gây thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm trong việc mua sắm, cấp phép thuốc, thiết bị vật tư chống dịch, Nghị quyết cũng yêu cầu Chính phủ có giải pháp không để xảy ra tiêu cực, lãng phí trong hoạt động này.
Đồng thời, Nghị quyết của Quốc hội cũng nêu rõ, ngoài các biện pháp đã nêu trong Nghị quyết, trong trường hợp cần thiết phải ban hành quy định về phòng, chống dịch Covid-19 khác với quy định của Luật thì trong thời gian Quốc hội không họp, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục rút gọn trước khi thực hiện.
Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng quy định rõ thời hạn Chính phủ được thực hiện các biện pháp cấp bách cho đến hết ngày 31.3.2022 và phải báo cáo Quốc hội về việc áp dụng các biện pháp đặc biệt này tại kỳ họp gần nhất.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội sẽ giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, trong đó có nội dung tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong thời gian tới.

Quốc hội đã quyết nghị thông qua Nghị quyết kỳ họp trong đó giao thêm quyền để Chính phủ chủ động trong công tác phòng, chống dịch

Ảnh Gia Hân

Không để thao túng, tham nhũng chính sách trong nghị trường Quốc hội

* Trong 3 tháng đầu tiên nhận trọng trách Chủ tịch Quốc hội, ông Vương Đình Huệ luôn nhấn mạnh một Quốc hội liêm chính để giám sát Chính phủ liêm chính; không để xảy ra tham nhũng trong nghị trường. Xin Tổng thư ký Quốc hội cho biết, lãnh đạo Quốc hội khóa XV hình dung thế nào về một Quốc hội liêm chính?
Theo tôi, một Quốc hội liêm chính là bản thân mỗi đại biểu Quốc hội phải liêm chính. Đặc biệt, trong công tác xây dựng, hoàn thiện và thi hành pháp luật, phải đặt lới ích nhân dân, lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết.
Đây là nguyên tắc tối cần thiết vì pháp luật điều chỉnh, thúc đẩy các quan hệ xã hội phát triển lành mạnh và ngày càng tốt đẹp hơn. Pháp luật không phải là công cụ để thể hiện lợi ích một bộ phận nhỏ trong xã hội, nhất là lợi ích của cơ quan, tổ chức được giao soạn thảo luật.
Quốc hội liêm chính không để thao túng chính sách, tham nhũng chính sách xảy ra trong nghị trường Quốc hội; không để xảy ra tình trạng cố tình đưa vào các đạo luật những quy định mà khi thực hiện sẽ đem lại lợi ích không chính đáng cho một số tổ chức, cá nhân nhất định. Hành vi này đặc biệt nguy hiểm vì nó tạo căn cứ pháp lý bảo vệ cho hành vi tham nhũng có hệ thống.
* Vậy để xây dựng một Quốc hội liêm chính như lãnh đạo Quốc hội hình dung, cần phải làm gì?
- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhiều lần nhấn mạnh, để có một Quốc hội liêm chính, trước hết, tinh thần lập pháp chủ động hơn, vai trò của Quốc hội phải có dẫn dắt, phải có giao nhiệm vụ.

Pháp luật không phải là công cụ để thể hiện lợi ích một bộ phận nhỏ trong xã hội, nhất là lợi ích của cơ quan, tổ chức được giao soạn thảo luật.

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường

Bên cạnh đó, cần siết chặt kỷ luật kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật. Quốc hội cương quyết không chấp nhận bất cứ dự án luật nào không nằm trong chương trình và không chuẩn bị kỹ, không đạt chất lượng về nội dung.
Tăng tính gương mẫu đối với bản thân mỗi đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng vận động khi xây dựng luật. Cơ quan thẩm tra, các đại biểu Quốc hội phải luôn nghĩ tới từ “liêm chính” trong việc thẩm tra và phát biểu với mỗi dự án luật.
Ngoài ra, cần phải đề cao chất lượng của khâu phân tích chính sách, đánh giá tác động trước khi thông qua các đạo luật. Đặc biệt, cần đề cao hơn nữa việc lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp - những chủ thể chịu sự tác động trực tiếp của chính sách.
Đồng thời, đề cao trách nhiệm giải trình của cơ quan đề xuất chính sách, cương quyết xử lý những hành vi thông đồng, cố tình cài cắm vào quy định của pháp luật, những quy định để trục lợi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.