Tổng thư ký Quốc hội: 'Không đồng ý tách luật Giao thông là vừa tiến vừa lùi'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
17/11/2020 18:46 GMT+7

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, việc lấy ý kiến đại biểu Quốc hội về tách luật Giao thông đường bộ là cơ sở để Chính phủ tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật cho lần sau.

Tại họp báo bế mạc kỳ họp 10 Quốc hội khóa 14, nội dung được báo chí quan tâm nhất là "số phận" của 2 dự án luật mà đa số đại biểu Quốc hội vừa “bác”, gồm: luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ (được tách ra từ luật Giao thông đường bộ) và luật Lực lượng tham gia bảo vệ trật tự, an ninh cơ sở.
Trả lời câu hỏi việc đa số đại biểu không đồng tình tách luật Giao thông đường bộ cũng như không đồng tình ban hành luật Lực lượng bảo vệ trật tự, an ninh cơ sở là “bước tiến hay lùi trong công tác lập pháp”, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đây là “cả tiến, cả lùi”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trường Giang, Phó tổng thư ký Quốc hội, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, cho biết luật Giao thông đường bộ được đưa vào chương trình xây dựng pháp luật từ kỳ họp 9 (đầu năm 2020) và dự kiến cho ý kiến tại kỳ họp 10.
Tuy nhiên, giữa 2 kỳ họp, Quốc hội đề nghị tách luật này thành 2 luật riêng là luật Giao thông đường bộ sửa đổi và luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Theo ông Giang, giữa 2 kỳ họp, theo quy định, Ủy ban Thường vụ có quyền điều chỉnh chương trình đưa các dự án luật có tính cấp bách vào chương trình xây dựng luật.
Ông Giang cũng cho hay, theo quy trình, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội cho ý kiến, khi vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định xin ý kiến đại biểu Quốc hội để làm cơ sở chỉnh lý.
“Đây là cách làm rất đúng, theo tinh thần của luật Ban hành văn bản QPPL, thể hiện tính dân chủ và sự quyết định chung của pháp luật, không phải tiến, lùi gì ở đây cả”, ông Giang khẳng định.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh, bày tỏ: “Tôi thì cho rằng có lùi và có tiến”, và Hồng giải thích lùi ở chỗ, lâu nay khi 1 dự án luật được đưa vào chương trình, được thẩm tra, cho ý kiến, tiếp thu, giải trình và sẽ được thông qua. Nhưng lần này không như vậy, nên nếu so với trước đây là lùi.
Còn tiến, theo ông Hồng, là ở chỗ thái độ tranh luận của các đại biểu Quốc hội tranh luận, thảo luận để đi đến thống nhất xin ý kiến đại biểu Quốc hội. “Điều này thể hiện trách nhiệm, cách làm việc thực hiện đổi mới của Quốc hội”, ông Hồng nói.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định có đưa vào chương trình hay không

Về “số phận” của 2 dự án luật trên sẽ như thế nào sau khi đại biểu Quốc hội đã có ý kiến không đồng ý, theo ông Phúc, các luật nêu trên quy trình rất đúng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy đảm bảo đủ điều kiện trình ra Quốc hội, còn ra Quốc hội thì thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
“Chúng tôi rất cầu thị, xin ý kiến đại biểu Quốc hội, làm cơ sở cho ban soạn thảo, Chính phủ tiếp thu, hoàn chỉnh dự án luật này”, ông Phúc nói.
Ông Phúc cũng giải thích, đây mới là bước cho ý kiến, chưa phải bước thông qua nên chỉ là lấy ý kiến xem xét đề xuất đại biểu Quốc hội thế nào. Ngoài việc đồng ý hay không đồng ý đại biểu còn có những ý kiến rất cụ thể.
“Chúng tôi đã chuyển kết quả lấy phiếu này cho Chính phủ, cơ quan soạn thảo để chuẩn bị cho lần sau”, ông Phúc nói.
Khi được đề nghị nói rõ “số phận” của các luật nói trên như thế nào, luật Giao thông đường bộ sẽ trình 1 luật hay 2 luật, ông Phúc cho biết, “kỳ tới Chính phủ trình 1 luật hay tách làm 2 luật là do Chính phủ quyết định”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trường Giang cho biết, sau khi luật đã trình ra Quốc hội thì trách nhiệm hiện nay theo quy định thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Do đó, sau khi tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội, kể cả kết quả lấy phiếu thăm dò, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định có đưa vào chương trình kỳ họp tới nữa hay không.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.