TP.HCM: Bị 'treo' 20 năm, người dân muốn tái định cư tại chỗ

29/10/2019 17:10 GMT+7

Định cư gần 60 năm, trong đó 20 năm bị "treo" và không được xây nhà mới, người dân kiến nghị sớm điều chỉnh quy hoạch khu đô thị An Phú - An Khánh, Q.2 (TP.HCM) để họ có cơ hội xây nhà ở ổn định trên đất của mình.

Bị “treo” suốt 20 năm

Ngày 29.10, theo nguồn tin của PV Thanh Niên, hàng chục hộ dân có đất nằm trong diện đền bù giải phóng mặt bằng tại trục đường Lương Định Của (thuộc khu C và D, dự án khu đô thị An Phú - An Khánh) đã có đơn gửi Thường trực Thành ủy, UBND TP.HCM kiến nghị sớm thông qua quy hoạch chi tiết 1/2000, để người dân được tái định cư tại chỗ trên đất của họ, mà 20 năm trước đây quy hoạch là công viên cây xanh, nhưng bị “treo” từ đó đến nay.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, năm 1998, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định phê duyệt đầu tư dự án khu đô thị An Phú - An Khánh (Q.2) cho Công ty Kinh doanh và Phát triển nhà TP.HCM (thuộc UBND TP.HCM; nay là Công ty HDTC) làm chủ đầu tư.
Kể từ ngày có quyết định của Thủ tướng và quy hoạch chi tiết được thông qua, những hộ dân có đất nằm trong các vị trí quy hoạch công viên cây xanh sẽ không được xây dựng mới nhà cửa.
Theo quy hoạch từ 20 năm trước (năm 1998), mặt đường Lương Định Của là nơi bố trí công viên cây xanh. Tuy nhiên, sau 20 năm quy hoạch “treo”, vị trí công viên cây xanh vẫn là “dự án trên giấy”, công viên chưa được đầu tư trên thực tế, chưa được giải phóng mặt bằng và người dân không ủng hộ phương án “bán mặt tiền xây công viên” như quy hoạch của 20 năm trước.
Theo các hộ dân, vì vướng quy hoạch “treo” nên suốt mấy chục năm qua họ không được xây dựng nhà cửa, phải sống trong điều kiện rất khó khăn, hạ tầng tuyến đường Lương Đình Của bị xuống cấp. Phương án đền bù và các vị trí bố trí nền tái định cư cho người dân của Công ty HDTC trước đây, không phù hợp với điều kiện sống, nguyện vọng của các hộ dân.
Tuy nhiên, sau khi cổ phần hóa, ban lãnh đạo mới của Công ty HDTC đã cử cán bộ thường xuyên đến các hộ dân tiếp xúc, hiệp thương và vận động các hộ dân bàn giao mặt bằng để thi công tuyến đường Lương Định Của và công viên theo quy hoạch 1/500 đã được phê duyệt trước đây.
Mặc dù diện tích đất quy hoạch công viên nhưng trên thực tế chưa được đền bù giải tỏa và chưa được triển khai đầu tư thành công viên, mà chỉ là nơi hàng chục các hộ dân đang sinh sống ổn định. Đồng thời, phương án đền bù 1518/CV.APAK ngày 27.12.1999 được duyệt (20 năm trước) đã không còn phù hợp và không đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các hộ dân.
Nguyện vọng của người dân bây giờ là được Công ty HDTC thỏa thuận theo giá thị trường hoặc hoán đổi nền tại chỗ, hoặc hoán đổi nền ở đường có lộ giới tương đương đường Lương Định Của. Tuy nhiên, Công ty HDTC không còn quỹ nền tại chỗ để bố trí phù hợp trước các kiến nghị này.

Nhiều hộ dân có nhà đất không xây được nhà mới vì vướng quy hoạch "treo"

ĐÌNH NGUYÊN

Trông đợi vào việc được xóa “treo”

Ông Phạm Chí Quốc (số 21/3, đường Lương Định Của, P.Bình An, Q.2) cho biết, ông và gia đình sống ổn định tại khu đất mặt đường Lương Định Của từ năm 1963. Nếu tính cả họ hàng, con cháu thì tổng cộng nhà ông có khoảng 9 hộ dân với hàng chục nhân khẩu có đất ở mặt tiền đường Lương Định Của.
Theo quy hoạch được công bố từ năm 1998, khu vực đất của ông và các hộ dân khác được quy hoạch làm đất công viên cây xanh. Tuy nhiên, suốt 20 năm qua, gia đình ông vẫn bám trụ lại mảnh đất của gia đình, vì không đồng ý với phương án tái định cư là “đẩy” những người dân như ông (có đất mặt tiền đường Lương Định Của) vào sâu phía trong hoặc ra ngoài rìa khu đô thị, nơi giá trị đất thấp hơn nhiều lần.
Theo ông Phạm Chí Quốc, suốt nhiều năm qua, dù Công ty HDTC đã ký đồng ý cho các hộ dân được tái định cư tại chỗ để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các hộ dân, nhưng do thành phố chưa cấp phép nên tất cả các hộ dân không thể xây dựng. Điều này dẫn đến nghịch lý là nhiều hộ dân dù có đất nhưng lại không được xây dựng, phải đi thuê nhà để ở.
“Người dân đã họp với UBND P.Bình An, UBND Q.2 và có kiến nghị, đề xuất thành phố sớm thông qua quy hoạch điều chỉnh để người dân có thể sớm xây dựng nhà cửa, sớm ổn định cuộc sống, không để tình trạng quy hoạch “treo” kéo dài nữa”, ông Quốc bày tỏ.

Quy hoạch 20 năm trước, nay không còn phù hợp

Trước đó, tháng 1.2017, Văn phòng UBND TP.HCM có văn bản truyền đạt ý kiến kết luận của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong; theo đó giao UBND Q.2 chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan xem xét, có ý kiến về đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu đô thị An Phú - An Khánh, thuộc các phường: Bình An, An Phú, Bình Khánh (Q.2) do Công ty HDTC làm chủ đầu tư.
Ngay sau đó, chủ đầu tư đã trình hồ sơ điều chỉnh. Trong đó, riêng điều chỉnh một phần diện tích mặt tiền đường Lương Định Của nói trên mà 20 năm trước quy hoạch công viên cây xanh, thì phương án chỉ hoán đổi vị trí cũng thuộc phạm vi khu đô thị, không làm ảnh hưởng đến mật độ cây xanh.
Theo báo cáo của UBND Q.2 gửi UBND TP.HCM, việc điều chỉnh quy hoạch là cần thiết, để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân có đất trong diện quy hoạch, hài hòa lợi ích của nhà nước và doanh nghiệp.
UBND Q.2 khẳng định dự án bắt đầu triển khai thực hiện từ những năm 1998 - 2000, nhưng đến nay nhiều hạng mục công trình cơ bản (như nhà ở, hạ tầng xã hội, kỹ thuật, công viên cây xanh…) vẫn chưa được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh theo quy hoạch được duyệt. Nguyên nhân chủ yếu do chưa hoàn tất công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (phương án duyệt đền bù 20 năm trước quá thấp, và do quy hoạch bị “treo” nên đến nay không còn phù hợp nữa).
Đặc biệt, UBND Q.2 cũng khẳng định quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 của dự án phê duyệt từ năm 1999, đến nay không còn phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội nhanh chóng tại địa phương, đồng thời không phù hợp các đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của 5 khu ở đã được phê duyệt và triển khai xây dựng thực tế giai đoạn 2007 - 2011.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.